Phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp Quốc hội việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước diễn ra ngày 18/7/2013 “nóng” lên, khi các báo cáo cho biết trong giai đoạn từ 2006 đến 2011 không phát hiện ra hành vi tham nhũng trong các ngành Tài nguyên môi trường, Tổ chức cán bộ. Nhận định này cũng làm “nóng lên” các trang báo và dư luận xã hội.
Cả đại biểu Quốc hội, Nhà báo và người dân đều gặp nhau một nhận định, một câu hỏi là tại sao ở hai lĩnh vực vô cùng nhạy cảm với nhiều than phiền của người dân về nạn nhũng nhiễu, hối lộ lại không thấy tham nhũng? Phải chăng đây là vùng “đất sạch”? Thưa không. Chẳng qua là “các đồng chí chưa bị lộ” mà thôi.
Để thấu hiểu vấn đề tế nhị, nhạy cảm mà nan giải này xin trở lại thuật ngữ tham nhũng. Có cả trăm định nghĩa về tham nhũng, nhưng theo Tổ chức Minh bạch quốc tế thì tham nhũng là “lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, gây khó khăn cho dân để chiếm của dân, là lợi dụng quyền hành, chức vụ để lấy cắp của công”. Nói gọn lại là: lạm dụng chức vụ công để tư lợi.
Tham nhũng đi liền với chuyên quyền, độc đoán, bưng bít thông tin, không hoặc thiếu trách nhiệm giải trình, không chịu trách nhiệm cá nhân. Hay nói một cách khác tham nhũng có thừa độc quyền, thừa bưng bít thông tin, nhưng lại thiếu, rất rất thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu dân chủ, coi thường tự do ngôn luận và báo chí.
Đến lúc này vẫn có người cho rằng không nên nói nhiều đến chống tham nhũng, vì sợ thế lực phản động lợi dụng, gây mất ổn định chính trị.
Tham nhũng có từ rất sớm, xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Ông giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch quốc tế có lần nói: “Tham nhũng không phải là một thảm họa tự nhiên. Đó là những khoản ăn cắp cơ hội được tính toán từ những kẻ tham lam”.
Tham nhũng trở thành thảm họa ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều chế độ chính trị, nhiều nền văn hóa khác nhau. Thế giới phải lấy ngày 9/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng. Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước ta đã mở nhiều cuộc hội thảo, tham vấn nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều chuyên gia trong nước và thế giới khảo sát, đánh giá thực trạng, vạch rõ nguyên nhân và bàn hệ thống giải pháp tháo gỡ hữu hiệu.
Theo tài liệu công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) năm 2005, trong 159 nước được thăm dò có tình trạng tham nhũng thì Việt Nam đứng thứ 107, thuộc loại nghiêm trọng. Cũng theo tổ chức này, năm 2010 Việt Nam được 2,7/10 điểm. Những nước và khu vực có điểm số dưới 5 là thuộc loại tham nhũng cao. Năm 2011, Việt Nam tụt 11 hạng không chỉ đối với các nước tiên tiến mà cả với các nước trong khu vực. Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới năm 2013 của TI cho biết 30% người dân Việt Nam được thăm dò đã trả lời là phải đút lót nhân viên công quyền, 55% số người được hỏi cho rằng tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng.
Tham nhũng đã trở thành “quốc nạn”. Chúng ta không che giấu điều này.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người.” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây phải thốt lên: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có.” Khi tiếp xúc với cử tri thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm… một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này”.
Đã thấy căn bệnh trọng, đã bốc thuốc. Liều thuốc mạnh nhất là Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng là Tổng Bí thư của Đảng. Ban Nội chính đã được lập lại và đang hoạt động. Thế nhưng theo Tổng Bí thư thì nạn tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi từng bước, mà trái lại “tình trạng tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.”
Tinh vi và phức tạp là do đâu? Mới đây theo Tổng thanh tra Chính phủ giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì: đối tượng tham nhũng thường là những người có chức, có quyền, có trình độ, khả năng che giấu hành vi phạm tội Nhiều trường hợp để chứng minh động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm còn khó khăn. Thậm chí nhiều nơi, người đứng đầu ngành, địa phương chưa thật sự chỉ đạo chống tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Đặc biệt trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng, công khai minh bạch ở đơn vị còn hình thức, chiếu lệ, cốt để đối phó.
Phức tạp và tinh vi hơn nữa là khi các nhóm lợi ích hoạt động, tung hoành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Sự cấu kết để tạo ra lợi ích nhóm giữa những chủ đầu tư với những kẻ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở những cơ quan có chức năng và khả năng soạn thảo, thông qua và điều hành cơ chế, chính sách, các cơ quan tư pháp.
Những vụ tham nhũng lớn được báo chí phanh phui, tòa án xử công khai, cho thấy hình hài những nhóm lợi ích như vụ EPCO – Minh Phụng, PMU18, vụ tham nhũng PCI, vụ chia chác đất công ở An Hải, Hải Phòng, Vinashin, Vinalines.
Nghiêm trọng hơn là có vụ chủ đầu tư móc nối, bắt tay với xã hội đen để thực hiện lợi ích, kiếm lợi nhuận nhiều nhất. Mới đây trong phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng một số dự án giao thông bị chậm tiến độ, giá thành tăng cao vì “giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng”.
Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, tham nhũng đang diễn ra phức tạp tại nhiều lĩnh vực “nóng” như tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Một trong những “điểm nóng” ấy mà không tìm thấy “vụ tham nhũng nào” là bởi vỏ bọc tinh vi và phức tạp, khéo “chạy”, khéo “trốn” của những “con sâu” có chức, có quyền, là vì sự hoành hành của “lợi ích nhóm”.
Một khi tham nhũng gia tăng, lợi ích nhóm tung hoành thì biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi “quốc nạn” phải mạnh mẽ, quyết liệt, phải “thượng tôn pháp luật”. Phải coi đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” một mất một còn mà vũ khí hạng nặng là “minh bạch”, thực thi dân chủ thật sự.
Minh bạch thông tin, minh bạch khiếu nại, khiếu kiện của công dân, minh bạch ngân sách, tài chính, minh bạch mua sắm công, minh bạch, công khai thu nhập cúa những người có chức, có quyền.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó quy định rõ 9 nhóm đối tượng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản cũng như các loại tài sản bắt buộc phải kê khai, hình thức công khai tài sản, thu nhập. Phải kê khai cả tài sản ở nước ngoài. Cán bộ giữ chức vụ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân.
Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “người dân, báo chí không được đào tạo bài bản về điều tra, nhưng họ lại là những người phát hiện cho cơ quan nhà nước rất nhiều vụ việc tham nhũng”.
Thế mới thấy vai trò của nhân dân và Báo chí trong phòng chống tham nhũng hết sức quan trọng.
Minh bạch qua báo chí cũng là biện pháp tích cực và hữu hiệu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này./.