Sáng nay (9/7) tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo “Vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng – Thực trạng và giải pháp”. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các hoạt động giám sát và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong thời gian qua; công tác xử lý hành vi tham nhũng; việc thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng…

Những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Số vụ tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử với số lượng lớn, bình quân mỗi năm khởi tố 282 vụ với 600 bị can.

Năm 2012, phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người và xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng và có tính chất phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế như: việc áp dụng các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng chưa sát với tình hình thực tiễn, thiếu hiệu quả trong việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa cao. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài… Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, biện pháp then chốt và cơ bản là nâng cao vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị: “Để phát hiện tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải tạo kênh thu thập thông tin, dữ liệu tham nhũng một cách khách quan, rộng rãi và nhanh nhất. Xác định và quy trách nhiệm cho các cơ quan có trách nhiệm cụ thể, chẳng hạn như phòng ngừa đã làm tốt hay chưa, đấu tranh và phát hiện xử lý tham nhũng là những cơ quan nào… phải được xác định theo phần việc, để tránh đùn đẩy”./.