Từ điển Bách khoa định nghĩa: “Lợi ích nhóm là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của Chính phủ, là những nhóm vận động hành lang (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thức thì có lợi cho phe nhóm của mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng”

Thực tế cho thấy “nhóm lợi ích” tác động chủ yếu và mạnh mẽ nhất là vào chế độ chính sách, quy chế, quy định, tạo ra kẻ hở của luật lệ để dễ bề thao túng, kiếm chác.

nguyen-thi-kha.jpg
Đại  biểu Quốc hội Nguyễn thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi liệu việc “phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý nhẹ có tiêu cực không? Có lợi ích nhóm không? Có độc lập trong điều tra, khởi tố, xét xử hay không?”

Ngạn ngữ nước Anh có câu: “không có cái “lệ” nào lại không có “tệ”, có nghĩa là không có chính sách, luật lệ nào hoàn hảo cả mà phải lấp lỗ hổng, dần dần phải hoàn thiện nó.

Trong quá trình xây dựng luật lệ mới hay hoàn thiện những cái đã cũ, đã lỗi thời, một số chuyên gia, chuyên viên, nhân viên hay thậm chí cả thủ trưởng đã “chen bút” vào tạo ra những chế định làm lợi cho một nhóm thực thi chính sách như chủ ngân hàng, chủ dự án, chủ doanh nghiệp để hưởng thụ theo “nhóm lợi ích”.

Lợi ích nhóm được quan tâm đầu tiên, đặt lên trên lợi ich chung, lợi ích quốc gia, lợi ích toàn dân. Và tất nhiên “lợi ich nhóm” đi ngược lại lợi ích chung và đồng thuận với lợi ích cá nhân.

Suy cho cùng, lợi ích nhóm thực chất là đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Lợi ích cá nhân gắn liền với “bòn mót” và “trục lợi”.

Thực tế cũng cho thấy lợi ích cá nhân cực đoan và lợi ích nhóm là con đẻ của nền kinh tế “đa sở hữu”, nó tồn tại hiển nhiên khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế ngày càng rộng mở theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu.

Ai cũng thấy có “nhóm lợi ích” trong quản lý, sử dụng đất đai, trong kinh doanh xăng dầu, trong ngân hàng, trong bất động sản.v.v… Có người thấy lờ mờ, có người thấy rõ khi “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nhưng vì sao không nói ra. Tâm lý “tế nhị”, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” kiểu phương đông, đặc thù Việt Nam đã thành rào cản.

Lại nữa, chẳng lẽ trong chính thể “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” mà có nhóm này, phe nọ hay sao? Nói ra e sợ mất lòng, mất đoàn kết, và tai hại nhất là “mất lập trường”. Nhưng thực tế không chiều theo ý muốn chủ quan đó. Những sơ hở trong luật, trong chính sách, trong quyết định đã bị lợi dụng để trục lợi không chỉ cho cá nhân mà cho cả một nhóm người.

LĐã từ lâu ta đã vạch mặt chỉ tên lợi ích cá nhân cực đoan, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích dòng họ, cục bộ địa phương, nhưng không dám nói rõ “lợi ích nhóm” mặc dù nó song song tồn tại. Chẳng lẽ lại “vạch áo cho người xem lưng” ư?

Mãi đến hạ tuần tháng 12/2011, trong diễn văn bế mạc hội nghị Trung ương V khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn nhận định: “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp, có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ,  lợi ích nhóm”.

Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội nói đến và nhấn mạnh lợi ích nhóm.

Đại  biểu Quốc hội Nguyễn thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi liệu việc “phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý nhẹ có tiêu cực không? Có lợi ích nhóm không? Có độc lập trong điều tra, khởi tố, xét xử hay không?”

Theo bà Nguyễn Thị Khá các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng đã tính kỹ đường đi, nước bước để đạt được mục đích và họ liên kết với nhau để cùng che dấu tội, tìm cách chạy tội. “Khi bi phát hiện vi phạm, họ thực hiện ba chạy: chạy từ có tội thành không tội, chạy từ tội lớn thành tội nhỏ, từ hình sự sang hành chính, chạy từ tù ngồi sang tù treo.”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13/11/2012 thừa nhận: “Tôi khẳng đinh có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một Ngân hàng chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích”.

Đại biểu Quốc hội đã nói lên tiếng nói của hiện thực, của cuộc sống, đã cho thấy bức họa chân dung bộ ba nhóm lợi ích là: nhà hoạch định chính sách – Ngân hàng Tài chính – nhà sản xuất.

Luật lệ nào cũng có nhiều “cái tệ”, nơi nào chính quyền non tay, chỗ nào  đảng   cầm quyền không phát huy hết năng lực lãnh đạo, đảng viên cán bộ kém tài, thiếu đức, thiếu đến vô tâm thì nơi đó có “lợi ích nhóm” hoành hành.

Các nhà kinh tế chính trị học thế giới nói rất đúng rằng: lợi ích nhóm tồn tại là lẽ đương nhiên. Nếu không chống phá triệt để thì nó lũng đoạn cả nền kinh tế, cả nền chính trị và thành quả văn hóa cũng bị triệt tiêu.

Phải chăng là lời cảnh báo nghiêm khắc?/.