Ngay từ hôm khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước vì gắn bó thiết thực đến lợi ích của người dân.

Ngày 17/6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, những vấn đề về thu hồi đất, sở hữu toàn dân về đất đai, sử dụng đất theo mục đích... sẽ là những nội dung tranh luận khá sôi nổi tại nghị trường.

Trước phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phóng viên Báo điện tử VOV phỏng vấn bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.

dat-dai.jpg
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình lên Quốc hội xem xét sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri (Ảnh: KT)

PV:
Thưa bà, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này, bà quan tâm đến những vấn đề nào?

Bùi Thị An
:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm những ai là người đại diện, sở hữu đất đại như thế nào cho đúng. Nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định rõ những vấn đề trên thì lợi ích sở hữu, sử dụng đất đai có thể thuộc về một nhóm người.

Trong vấn đề thu hồi đất, đa số cử tri mong muốn Quốc hội chỉ thông qua thu hồi đất phục vụ cho các dự án vì mục đích quốc gia, quốc phòng- an ninh hay những dự án kinh tế-xã hội ở cấp quốc gia. Còn thu hồi đất cho những dự án khác thì chính quyền địa phương cần có sự thỏa thuận cụ thể với nhân dân.

Cấp sổ đỏ cho người dân ở các tòa nhà cao tầng quá chậm

PV:
Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân tại các khu nhà cao tầng, chung cư ở các thành phố lớn vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là gì, thưa bà?

Bùi Thị An
:
Nguyện vọng sở hữu sổ đỏ là mong muốn rất chính đáng của người dân đã được quy định rõ trong Luật Đất đai. Khi có sổ đỏ rồi, người dân có thể dùng tờ giấy này đi giao dịch ngân hàng , thế chấp để vay tiền đầu tư cho sản xuất, kinh doanh...

Mặc dù thời gian qua, một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đã tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân đang sở hữu đất đai, nhà ở hợp pháp nhưng tốc độ còn chậm. Nguyên nhân được địa phương đưa ra là chưa đo đạc đất, nhà ở xong; tài liệu lưu trữ bất động sản chưa rõ ràng...

Theo tôi, sắp tới đây, các địa phương phải tiến hành công khai những nhà ở, khu đất nào của người dân chưa hoặc không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Còn những cái nào đủ điều kiện thì phải tiến hành khẩn trương cấp sổ đỏ cho người dân.

Bà Bùi Thị An

PV:
Để giải quyết tình trạng chậm trễ, tồn đọng trong việc cấp sổ đỏ cho người dân cần những yếu tố trọng tâm nào, thưa bà?

Bùi Thị An
:
Trước tiên, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước như: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND cần có trách nhiệm trong giám sát các cơ quan chính quyền, hành chính địa phương trong thực hiện tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Theo đó, cả hệ thống cơ quan, lãnh đạo phải vào cuộc thì việc cấp sổ đỏ mới tiến triển nhanh chóng hơn.Có “lợi ích nhóm” trong sở hữu, sử dụng đất đai?

PV:
Thưa bà, trong thời gian qua, nhiều khu đất được coi là có địa thế đẹp và có giá trị ở Hà Nội đã bị sử dụng sai mục đích dẫn đến thất thoát tài nguyên đất đai của Nhà nước. Nhiều người cho rằng, lợi ích của sử dụng đất sai mục đích đã thuộc về một số nhóm người. Theo bà, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bùi Thị An
:
Những dự án, khu đất bị sử dụng sai mục đích đã được cơ quan chức năng phát hiện và cho dừng xây dựng, sử dụng.

Lợi ích nhóm về sở hữu, sử dụng đất đai đã được nhiều cử tri đề cập. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng phải thẩm tra, đánh giá rõ, lợi ích nhóm cụ thể là những ai, với những công việc như thế nào thì chúng ta mới có thể xác định rõ trách nhiệm, hành vi vi phạm đến đâu để đưa ra hình thức xử lý đúng người, đúng tội.

Tôi nghĩ rằng, khi các cơ quan chức năng đã thẩm định chính xác tổ chức, nhóm người sở hữu, sử dụng đất sai mục đích thì nên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát.

Cần nhất quán trong việc đền bù khi lấy đất của dân

PV:
Thưa bà, khái niệm “trưng thu”, “trưng mua” bất động sản đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra là nên cho vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 4, Quốc  hội khóa XIII. Theo bà nguyên nhân  vì sao đến nay, khái niệm này vẫn chưa được đưa vào Dự thảo Luật để các đại biểu đóng góp ý kiến?

Bùi Thị An
:
Khái niệm “trưng thu”, “trưng mua” chưa được đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vì nếu đưa ra mà người dân không nhất trí được giá cả đất đai, đền bù với chính quyền địa phương thì sẽ kéo dài tiến độ thực hiện dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần phải tuyên truyền ý thức, trách nhiệm của người dân đối với những dự án xây dựng của Nhà nước, chứ không nên để các cơ quan chức năng phải thực hiện hành vi cưỡng chế.

Còn về phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải có chính sách nhất quán trong đền bù khi lấy đất của người dân để phục vụ cho các dự án xây dựng.

PV:
Xin cảm ơn bà!./.