Sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 68 tại Hoa Kỳ. 

Chuyến thăm Pháp lịch sử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi dấu mốc mới trong quan hệ Việt-Pháp khi hai nước chính thức ký Tuyên bố chung nâng quan hệ lên đối tác chiến lược. Đây là nền tảng vững chắc được xây dựng trên lòng tin chiến lược để cả Việt Nam và Pháp cùng nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là trong 6 lĩnh vực ưu tiên: chính trị - ngoại giao, an ninh – quốc phòng, kinh tế - thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư pháp, bảo vệ môi trường.

thu-tuong-trong.jpg

Kết thúc chuyến thăm Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Hoa Kỳ tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68. Trong vòng chưa đến một ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt cả ở Thủ đô Washington DC và thành phố New York để gặp gỡ lãnh đạo 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất thế giới là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng thời trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc, các quan chức cấp cao Hoa Kỳ và một số nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ thông điệp “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Thủ tướng đề cập đến câu chuyện chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự nóng bỏng của thế giới, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia trên thế giới.

Thông điệp của Thủ tướng đã được các đại biểu tham dự nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao.

Quốc hội họp cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Ngày 25/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu phiên họp 2 ngày tại Hà Nội nhằm cho ý kiến vào 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đây là hai vấn đề vô cùng hệ trọng đối với đất nước nên việc tổ chức hội nghị này nhằm đạt được yêu cầu về chất lượng và sự đồng thuận đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước khi trình ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới.

Sau 2 ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn, xác đáng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nhiều nội dung quan trọng đã nhận được sự đồng thuận cao, trên cơ sở đó ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Quốc hội dự kiến sẽ dành 2,5 ngày để tiếp tục thảo luận về 2 nội dung này. Sau đó, Ban soạn thảo sẽ tập hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, tiếp thu và trình ra Quốc hội văn bản mới, gửi kèm theo những vấn đề còn ý kiến khác nhau để lấy phiếu thăm dò trước khi Dự luật được thông qua.

Việt Nam sẽ thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế

Đêm 27/9 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại trước các doanh nhân hàng đầu Hoa Kỳ và nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt hưởng ứng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong nhiều năm qua Việt Nam đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Hiện nay Việt Nam đang quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Song song với các cải cách ở trong nước, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Minh chứng cho điều này, Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do quan trọng với các khu vực và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakhstan, với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), và với Hàn Quốc.

Với triển vọng hoàn tất các Hiệp định này, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất sẽ hình thành vào năm 2015”.

Dịch đau mắt đỏ bùng phát tại nhiều nơi

Thời gian gần đây, dịch đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại các bệnh viện lớn, số lượng người đến khám và điều trị đau mắt đỏ tăng đột biến. 

Tại Viện mắt Trung ương, ngay từ sáng sớm 28/9, rất đông bệnh nhân xếp hàng chờ mua sổ khám bệnh. Bệnh nhân đến khám phần lớn là trẻ em, sau đó đến người người già và người trung niên. Có khi cả gia đình cũng dẫn nhau tới khám.

Theo các chuyên gia, đau mắt đỏ là tên gọi chung của một bệnh do virus Adenovirus gây ra. Bệnh thường bùng phát vào cuối mùa hè và xuyên suốt mùa thu. Triệu chứng đau mắt đỏ: Sốt nhẹ, viêm mũi họng, nổi hạch ở tai (có thể). Mắt xuất hiện nhiều gỉ, chảy nước mắt, mắt đỏ, cộm, ngứa. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tay chân, nước bọt…

Tính chất các ca bệnh không nặng, nên thông thường chỉ điều trị từ 7 – 10 ngày là khỏi và sau điều trị 3 ngày mắt đã hết đỏ. Chính vì vậy, phòng bệnh luôn là cách tốt nhất để bảo vệ mắt. Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ khuyên người dân phải thường xuyên vệ sinh tay chân; người bị đau mắt nên nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc gần với mọi người và dùng riêng đồ dùng cá nhân, bát đũa ăn cơm. 

Từ 1/10, miễn thuế nhiều khoản thu nhập cá nhân

Sáng 27/9, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị giới thiệu một số nội dung mới của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ ngày 1/10 tới, sẽ chính thức miễn thuế cho hàng loạt khoản thu nhập cá nhân ngoài việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng, chuyển từ việc kê khai thuế theo tháng sang kê khai thuế theo quý.

Ngoài việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho chính người nộp thuế và người phụ thuộc, từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng, và từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc có hiệu lực từ 1/10 tới, Luật sử đối, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cũng có nhiều nội dung mới, có lợi cho người nộp thuế. 

Theo đó sẽ bổ sung thêm các các khoản thu nhập được miễn thuế như bổ sung các trường hợp chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng bất động sản là công trình xây dựng trong tương lai và nhà ở hình thành trong tương lai giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, cha mẹ nuôi với con nuôi, cha mẹ chồng với con dâu, bố mẹ vợ với con rể, ông bà nội ngoại với các cháu nội, ngoại, anh chị em ruột với nhau.

Lam Kinh chính thức nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 26/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ đón Bằng công nhận Khu di tích lịch sử Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh 2013, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức trang trọng, thành kính và tôn nghiêm.  

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khẳng định, khu Di tích lịch sử Lam Kinh là tài sản vô giá của nhân dân Thanh Hóa và quốc gia. Đây là di sản cần được quan tâm, bảo vệ. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng đặt ra trọng trách lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử quốc gia.

Bức xúc giá vé, khán giả ngoảnh mặt với giải U21

Lần đầu tiên, Hải Phòng được chọn là nơi diễn ra Giải bóng đá U21 quốc gia Cúp báo Thanh Niênsau 16 năm giải đấu diễn ra ở các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ.

Ý nghĩa hơn, năm nay Hải Phòng được chọn là thành phố đăng cai Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng. Thế nhưng ở trận khai mạc có đội chủ nhà thi đấu, các khán đài Lạch Tray vốn nổi tiếng với sự cuồng nhiệt lại rất vắng vẻ, khác với sự mong đợi của giới báo chí có mặt ở đây.

Ngay cả trận khai mạc giữa U21 Vicem Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sau đó cũng chẳng có thêm nhiều khán giả vào sân theo dõi. Sân Lạch Tray thường chật kín khán giả mỗi khi đội nhà đá tại V League, ấy thế mà khi các cầu thủ trẻ của họ thi đấu, sân lại vắng vẻ đến lạ thường. Lác đác một số người ở khán đài B, khán đài A đông nhất, nhưng đa phần là khách mời, đội kèn trống và các em nhặt bóng.

Được biết, giá vé cao gấp đôi so với giá đề xuất là nguyên nhân chính khiến khán giả không đến sân và bất bình với giải đấu này./.