Trần Đăng Khoa: Nói “sự kiện” hay “vấn đề”, nghe có vẻ to tát quá. Thực ra chỉ là mấy vụ việc. Theo tôi, những vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cũng như giới truyền thông tuần qua là nạn hoành hành của dịch sởi và sự lúng túng trong cách xử lý của ngành Y tế. Rồi chuyện rút đăng cai Giải thể thao ASIAD, chuyện 34.000 tỷ đồng làm lại sách giáo khoa và cải cách giáo dục. Chuyện cháu bé bị lăng nhục vì hai cuốn sách mỏng trong siêu thị…
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng việc đăng cai tổ chức Asiad 18 (Ảnh minh họa) |
-Vâng! Nói một cách “mềm hóa” như ông, đó là những vụ việc nổi cộm được bàn đến chóng mặt trên các phương tiện truyền thông…
Trần Đăng Khoa: Đúng vậy. Việc hoành hành của nạn dịch sởi và cách ứng phó có phần lúng túng của Ngành Y tế, dư luận cũng đã bàn quá nhiều, nên ở đây, tôi không điểm đến nữa. Xin bắt đầu từ vụ việc nhỏ nhất.
Thật đau lòng về vụ việc một nhóm người lớn gồm bảo vệ Phan Văn Hải, kế toán Trần Thị Kim Oanh, và các nhân viên Cung, An, Tâm, ở siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai lại nhẫn tâm lăng nhục một cháu bé. Ngày 10/4/2014, một bé gái học sinh trường THCS thị trấn Chư Sê, vào siêu thị, chọn mua 2 quyển truyện tranh nhưng lại để quên tiền trong cặp ngoài tủ đựng đồ. Theo lời phần trần của nhà trường, khi ra cửa lấy tiền thì em bị phát hiện. Chỉ tiếc các cô Oanh, Cung, An, Tâm... không ai còn lòng tốt của một người từng làm mẹ. Nếu mỗi người chỉ bỏ ra 5.000 đồng, để có 20.000 mua sách cho cháu, rồi nhắc nhở cháu, đừng có lấy trộm sách, xong rồi cho cháu về, đằng này họ đã trói chân tay cháu bé vào lan can, lại dán lên ngực cháu, dưới khăn quàng đỏ một dòng chữ: TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM.
Nhiều người có mặt đã xin cho cháu, yêu cầu thả cháu ra, nhưng nhóm này cứ trói cháu để làm nhục như vậy trước đông người. Bảo vệ Phan Văn Hải còn chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội “cho vui”. Sau khi cha mẹ cháu, nhà rất nghèo, nộp phạt 200.000 đồng và mua 20.000 đồng 2 quyển truyện tranh ấy cho cháu, tâm trí cháu vẫn hoảng loạn, không dám đi qua siêu thị đó, không dám đến trường... Đây là nỗi sỉ nhục lớn, chắc chắn sẽ đi suốt đời cháu bé thành một tổn thương tinh thần không gì bù đắp được. Mà tổn thương tinh thần còn ghê gớm hơn tổn thương thể xác rất nhiều.Sự việc đó đã gây chấn động dư luận. Có nhà thơ nổi tiếng đề nghị các ngành chức năng huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai vào cuộc, xem xét vụ việc một cách nghiêm túc để truy tố trước pháp luật nhóm người này về tôi bạo hành và sỉ nhục con trẻ. Có người còn yêu cầu cán bộ, công nhân viên của toàn siêu thị phải đến trường, xếp hàng xin lỗi cháu bé.
Chúng ta đã đi từ thái cực này đến thái cực khác. Tôi đồng ý với một nữ nhà báo VOV, khi chị cho rằng, việc nhân viên siêu thị sỉ nhục cháu bé là không thể chấp nhận được. Bởi nó vi phạm quyền con người. Gia đình cháu có thể kiện siêu thị về việc này. Nhưng cũng không vì thế mà báo chí lại cổ súy cho rằng, hành vi lấy sách thiêng liêng hơn hành vi lấy cắp những thứ khác! Vụ việc của em học sinh cho dù là bị hiểu lầm về hành vi hay không vì giờ chưa có cơ quan nào khẳng định em lấy trộm 2 cuốn sách, thì mọi đứa trẻ cần phải được gia đình giáo dục nghiêm khắc: Không được phép “cầm nhầm” bất kỳ cái gì không phải của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng không phải tiếp tục nhìn thấy những cái biển nhục mạ người Việt, viết bằng tiếng Việt, treo ở siêu thị các nước: “Ăn cắp là phạm tội. Đừng ăn cắp. Chúng tôi đang có camera theo dõi đấy”.
-Tôi đồng ý với ông về những chia sẻ ấy. Còn việc đăng cai ASIAD 18, ông là người lên tiếng rất sớm. Ông bảo: Khi dân còn đói ăn thiếu mặc, khi con trẻ đến trường còn phải chui vào túi nilon để qua suối, khi người bệnh phải nằm tràn ra cả hành lang bệnh viện, thì việc bỏ ra 150.000.000 USD chi cho việc du hý là tội ác. 150.000.000 USD có thể sẽ xây được hàng vạn cây cầu hay những công trình phúc lợi cho dân…
Trần Đăng Khoa: 150.000.000 USD chỉ là con số bước đầu thôi bà ạ. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đó là khoản tiền xây dựng và tu sửa các địa điểm thi đấu, trong khi để chuẩn bị cho Asiad, còn rất nhiều hạng mục khác nữa. Con số phát sinh sẽ còn lớn hơn gấp 3-4 lần. Ấy là chưa kể những số tiền sẽ còn thất thoát do các tệ nạn tiêu cực, tham nhũng. May mắn thay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định dừng đăng cai ASIAD 18. Đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời, hợp với lòng dân. Hàng trăm triệu USD, hàng nghìn tỷ đồng ấy sẽ được tập trung cho các trường học, bệnh viện, hay những cây cầu ở vùng sâu vùng xa…
-Về cơ bản, tôi đồng ý với ông. Nhưng nhìn ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng buồn. Buồn vì chúng ta mất cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước và nâng tầm thể thao Việt Nam. Các VĐV cũng không được tranh tài Asiad trên sân nhà của mình…
Trần Đăng Khoa: Nói đến Thể thao là nói đến kỳ tích. Kỳ tích của Thể thao Việt Nam là gì? Những cầu thủ nào mang đến cho chúng ta niềm hy vọng? Tôi không thấy đâu cả. Chỉ vẩn lên vài cái tăm. Nhưng chưa thành hình hài thì đã hư hỏng. Chuyện dàn xếp, bán độ ở đội tuyển Ninh Bình gần đây là một bài học đau đớn.
Đã đến lúc cần phải cải cách nền giáo dục, cải cách từ cội rễ |
-Mọi chuyện đều bắt đầu từ Giáo dục. Rất mừng là chúng ta đang cải cách Giáo dục. Tại buổi họp với Thường vụ Quốc hội vừa qua, về kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”. Con số 34.275 tỷ đồng là nhiều hay ít? PGS Văn Như Cương bảo, để viết lại toàn bộ sách giáo khoa chỉ cần đến 50 tỷ đồng…
Trần Đăng Khoa: Quả là đã đến lúc cần phải cải cách nền giáo dục, cải cách từ cội rễ, chứ không phải chỉ có “hớt trên ngọn”, là “viết lại sách giáo khoa”, rốt cuộc ta vẫn chỉ thay sự bất cập này bằng cái bất cập khác, rất tốn kém tiền bạc của dân mà hiệu quả thì lại rất thấp, nếu không nói là chẳng thay đổi được gì.
Chúng ta cũng cần lắng nghe tiếng nói của những người trong cuộc, là các thầy cô giáo và các em học sinh. Tôi rất đồng cảm với một em học sinh lớp 12 khi em cho rằng:
Ở bậc học phổ thông, học đến lớp mấy là đủ?. Tôi cho là lớp 9! Vì tôi tin tuổi 14, 15 đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Có người muốn làm lập trình viên, đầu bếp nhà hàng, giám đốc ngân hàng, thiết kế thời trang, thậm chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động? Một kỹ sư vật lý liệu có cần phải phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn hay không? Một nhà văn có cần thiết phải biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học?
Tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức trung học phổ thông. Giáo viên hay giáo sư cũng đi theo một vài kiến thức chuyên môn của mình, vậy mà học sinh lại phải học tất cả. Biết nhiều cũng tốt, nhưng để làm gì? Làm bài tập, làm kiểm tra, làm bài thi, thi xong rồi thì làm gì với chúng nữa? Nếu không có ích cho bản thân thì học để làm gì?
Đánh giá nhau không phải là anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết? Học thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp được bóng đèn thì học làm gì? Học phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì? Kiến thức SGK toàn lý thuyết thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính hàn lâm mà đâu phải ai cũng đầy đủ năng lực và niềm yêu thích.
Quỹ thời gian không đủ, nhiều bạn thức thâu đêm học bài, như thế chỉ tổn thọ chứ chẳng được lợi lộc gì. Giáo viên nào thông cảm thì lại dạy cho có hình thức, học sinh không tôn trọng môn học, ảnh hưởng đến tinh thần đối phó trong công việc. Chính nền giáo dục này đã tạo tiền đề cho tính cách đối phó hoành hành. Cách học ở trường cũng chỉ là đối phó.
Điều tôi muốn hỏi những ai là học sinh: Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không? Tất nhiên là không!”
Cũng theo em học sinh lớp 12 ấy, cách dạy và học của chúng ta chỉ có thể đào tạo ra được những con vẹt, hay “những con lừa giả dối”. Trong khi cái đích mà chúng ta muốn vươn tới là đào tạo Con Người. Nhưng với cách giáo dục như hiện nay chỉ có thể cho ra lò “những kẻ nô lệ hay những con vẹt”!/.