Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ nhìn lại tình hình kinh tế 7 tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nếu vẫn duy trì tăng trưởng như hiện nay thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế và rất khó có thể hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của năm 2014. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2014 là 5,8% và yêu cầu quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính để đạt được các kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Vì sao giải pháp được Thủ tướng cho là đột phá, mang tính quyết định thành công lại là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp?
Một nội dung quan trọng trong giải pháp phát triển kinh tế những tháng cuối năm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 và 7 tháng năm 2014 là: thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để sớm bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng.
Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng quả quyết rằng: Không thể có một môi trường đầu tư thuận lợi, nếu một khi vẫn còn những “giấy phép con” với hàng loạt các thủ tục rườm rà. Ngay cả việc nộp thuế của doanh nghiệp là hoạt động làm lợi cho ngân sách quốc gia, nhưng không chỉ thái độ, tác phong của công chức ngành thuế có nhiều điều đáng bán, mà còn tiêu tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Đơn cử, thống kê của chính ngành tài chính mới đây cho thấy, việc nộp thuế trước bạ ở Hà Nội người dân, doanh nghiệp vẫn đang phải đi thuê dịch vụ. Thời gian nộp thuế cao nhất khu vực, lên đến 872 giờ do quá nhiều thủ tục rườm rà và thiếu sự thống nhất - là không thể chấp nhận được. Bởi, nếu mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, ngành thuế hoàn toàn có thể rút xuống còn 200 giờ vào cuối năm nay và 171 h vào năm 2015!
Hay đối với lĩnh vực hải quan, chỉ cần cải cách một số thủ tục nộp thuế và hoàn thuế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu máy móc thiết bị do chính ngành này áp đặt ra, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan sớm, đồng nghĩa với việc giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí vốn mỗi năm cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ở một góc độ khác, khi nhìn lại hàng loạt gói tín dụng kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường được đưa ra từ đầu năm, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn rất khó có thể tiếp cận với các nguồn vốn này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chua xót: vướng nhất vẫn là thủ tục! Thiếu những tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể nên có tiền, có chính sách mà không thể giải ngân. Nguốn vốn vì thế mà tồn ứ trong ngân hàng, kho bạc, trong khi doanh nghiệp lại không thể mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Có lẽ vì thế mà tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Chính phủ đã khẳng định: sẽ có cả một Nghị quyết để tăng cường tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp!
Mạnh mẽ hơn, Chính phủ quyết tâm hoàn thành và công bố chỉ số cải cách hành chính, tiến tới công bố chỉ số hài lòng trên một số lĩnh vực phục vụ nhân dân - mà trước mắt tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan để tạo chuyển biến mới! Đơn giản bởi vì doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP), có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế./.