Sở hữu lợi thế về các bãi tắm đẹp hàng đầu miền Bắc, Quảng Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tắm biển trong dịp hè này. Vì vậy công việc của những nhân viên cứu hộ tại các khu vực bãi tắm cũng vất vả hơn, với thời gian làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần.
Để góp phần đảm bảo an toàn cho du khách, đội cứu hộ bãi biển được trang bị đầy đủ loa cầm tay, bộ đàm, còi, cờ hiệu, phao cứu nạn, một số loại thuốc và dụng cụ cứu thương. Nhân viên cứu hộ cũng thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn và luyện tập các phương án ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đến Hạ Long dịp này, du khách yên tâm hơn khi có sự hiện diện của lực lượng cứu hộ bãi biển. "Ngoài việc mình cho con mặc áo phao, có đội cứu hộ ở đây mình cảm thấy rất an tâm. Có việc gì thì cũng sẽ có đội cứu trợ hỗ trợ mình luôn" - một du khách từ Hưng Yên cho biết.
Là người gắn bó với nghề hơn 7 năm, ông Nguyễn Ngọc Oanh - Đội trưởng Đội Cứu hộ bãi tắm Hạ Long cho biết đội gồm khoảng 30 người. Từ sáng sớm đến khoảng 15h chiều là thời gian trực luân phiên, còn từ chiều đến tối muộn thì gần như cả đội đều có mặt làm nhiệm vụ do đây là thời điểm lượng khách tắm biển tăng cao nhất.
"Đầu giờ, chúng tôi thiết lập đầy đủ, kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. Vào thời điểm đông nhất thì chúng tôi chia nhau ra các vị trí để quan sát khách một cách hiệu quả nhất và tốt nhất. Khó khăn nhất đối với chúng tôi là thời tiết, như nắng gió sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn. Thứ hai là lượng khách quá đông, nhiều yếu tố khiến chúng tôi sao nhãng công việc, như hỗ trợ du khách, trẻ em đi lạc..." - ông Nguyễn Ngọc Oanh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh cũng chia sẻ, công việc cứu hộ bãi biển vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập chỉ cơ bản đủ trang trải cuộc sống. Những người làm công việc này hi vọng có cơ chế đảm bảo thu nhập để yên tâm làm việc, góp phần đảm bảo an toàn cho du khách, nhất là trong mùa cao điểm./.