Sáng 12/3, tang lễ nhạc sĩ Văn Dung diễn ra tại Nhà tang lễ 354 (Ba Đình, Hà Nội). Đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp và giới âm nhạc đã đến tiễn đưa tác giả "Những bông hoa trong vườn Bác" về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhạc sĩ Văn Dung qua đời vào lúc 20h23 phút ngày 8/3. Ông hưởng thọ 86 tuổi.
Đến tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung về nơi an nghỉ cuối cùng có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam,...cùng nhiều nhạc sĩ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội,... và các biên tập viên, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồng Đăng nay tuổi già sức yếu, không thể đến tiễn đưa người bạn, người đông nghiệp thân thiết nên đã nhờ con cháu gửi vòng hoa.
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 tại Hà Nội. Ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc vào năm 1960. Năm 1961, ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, những đồng nghiệp của ông nhận thấy Văn Dung rất có khả năng hoạt động âm nhạc nên đã đề nghị ông chuyển sang làm công tác biên tập âm nhạc. Kể từ đó, ông gắn bó với công việc này cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 4/1998.
Dù không được đào tạo âm nhạc chính quy nhưng nhạc sĩ Văn Dung đã không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức âm nhạc từ các nhạc sĩ đồng nghiệp đi trước như nhạc sĩ Hoàng Vân... cũng như có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa để sáng tác. Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác 54 ca khúc với đa dạng đề tài, về các ngành nghề khác nhau, những vùng miền khác nhau. Nổi bật là các sáng tác "Giải phóng quân ta ra đi" (1965), "Tiến về Khe Sanh" (1968), "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Bài ca Đường 9 chiến thắng" (1971), "Những bông hoa trong vườn Bác", "Mùa xuân cho em", "Em và sắc trời biên giới", "Vinh quang công nhân Việt Nam", "Trở về Bỉm Sơn"… Ông còn viết nhạc phim "Mê thảo - thời vang bóng", nhạc cho vở rối "Hai cây phong". Các ca khúc của ông giản dị nhưng đằm thắm, lời và nhạc hòa quyện vào nhau trong từng câu hát.
Gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 40 năm, nhạc sĩ Văn Dung có nhiều đóng góp đối với đời sống âm nhạc nước nhà thông qua các chương trình ca nhạc trên làn sóng phát thanh, trong đó có chương trình “Khắp nơi ca hát”. Ông đã cùng với các đồng nghiệp đi khắp nơi, thu thập những tiếng hát của quần chúng, phát hiện nhiều giọng hát hay, giới thiệu nhiều tác phẩm mới trên sóng, truyền tải không khí lạc quan, động viên sức mạnh tinh thần nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.
Không chỉ có những đóng góp, tạo nên một diện mạo cho âm nhạc trên làn sóng phát thanh mà nhạc sĩ Văn Dung còn là một trong những nhạc sĩ đặt nền móng cho các hoạt động tại Hội Âm nhạc Hà Nội cũng như hình thành hệ thống âm nhạc bài bản cho Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Dung tham gia Ban chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội và giữ cương vị Chủ tịch từ năm 2014-2016.
Với những cống hiến cho đời sống xã hội, cho quần chúng nhân dân qua nhiều ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật khẳng định nhạc sĩ Văn Dung là một trong những nhạc sĩ tài hoa, xuất sắc của thế hệ đầu trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. "Ông lớn lên như một người con của đất Hà Thành nên trong trí thức, trong ý thức cũng như sự trang bị, vốn văn hóa, cuộc sống của ông rất sâu rộng và có tính toàn diện. Chính cơ sở và nền tảng của văn hóa cũng như sự giáo dục của truyền thống gia đình đã hình thành nên tính cách của Văn Dung và chính vì thế ông đi vào âm nhạc bằng con đường rất riêng.
Nhạc sĩ Văn Dung không học một trường lớp đào tạo âm nhạc cụ thể nào nhưng ông luôn nói rằng: “Chúng ta học là học ở trường đời, âm nhạc và âm thanh luôn luôn tồn tại ở trong không gian, trong xã hội và chúng ta học từ tiếng nói, từ văn học, từ thơ ca của các cụ để lại". Hơn nữa vốn hiểu biết về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân gian của ông rất sâu rộng. Chính điều đó đã cho ông một ngôn ngữ âm nhạc rất riêng, đúng vào thời kỳ đất nước chiến tranh và lĩnh vực hoạt động chủ yếu của ông là tiếp xúc với công chúng.
Tuy rằng số lượng tác phẩm của ông thì không nhiều nhưng độ lan tỏa của nó thì rất lớn và hơn nữa, công lao ông đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam và trong đó có một phần của âm nhạc phát thanh thì tên tuổi của ông với giải thưởng của Nhà nước về Văn học và nghệ thuật là hoàn toàn xứng đáng. Và chúng tôi, những thế hệ đi sau vô cùng tự hào khi có những tấm gương như nhạc sĩ Văn Dung và thế hệ của ông. Sự ra đi của nhạc sĩ Văn Dung là điều vô cùng đáng tiếc và giới âm nhạc mất đi 1 tiếng cười, 1 giọng điệu trong âm nhạc...".
Nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội nhớ về người nhạc sĩ tài hoa mà nhiều thế hệ yêu quý: “Âm nhạc và cuộc đời của Văn Dung đã để lại những dấu ấn mà anh em chúng tôi mãi mãi không thể nào quên được. Vì cuộc đời của anh đã hiến dâng trọn cho âm nhạc, cho đất nước".
Nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên, Trưởng Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam viết trong sổ tang: "Thay mặt cho tập thể cán bộ, nhạc sĩ, nghệ sĩ biên tập viên Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi nhạc sĩ Văn Dung đã công tác, làm việc và cống hiến phần lớn cuộc đời sự nghiệp âm nhạc của ông, gửi tới gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất, niềm tiếc thương vô hạn. Cầu mong linh hồn ông sớm siêu thoát, an nghỉ nơi suối vàng, sống mãi như những tác phẩm của ông để lại cho đời".
Nhạc sĩ Thuỵ Kha viết những dòng thơ tiễn biệt người bạn vong niên mà ông trân quý: “Đã sống đến tận cùng sống/Đã thăng hoa chất ngất thăng hoa/ Người đã reo ca giữa thực và mộng/Và bay đi cùng xuân xanh sắp xa”.
Đúng 10h45, nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời, các dấu mốc trong sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa, hiền lành, nồng hậu. "Ông đi xa nhưng hôm nay và mãi mãi về sau, những ca khúc của ông sẽ vẫn vang xa, ngân vọng cho mọi thế hệ mai sau, như một dòng thác âm nhạc tuôn tràn về khắp các ngõ ngách của tâm hồn chúng ta...", Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội khẳng định.
Trong giây phút tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, những ca khúc nổi tiếng của ông như "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Những bông hoa trong vườn Bác", "Mùa xuân cho em",... vang lên đầy xúc động./.