Hãy tưởng tượng: bên ngoài, trời đã tối đen, nhưng trong văn phòng, người người vẫn miệt mài cắm đầu vào máy tính. Họ đã làm việc liên tục mười hai tiếng đồng hồ, giữa những lời tranh cãi với đồng nghiệp và phê bình từ cấp trên. Ngày này qua ngày nọ, tuần này qua tuần nọ, nhưng họ vẫn tươi cười, tràn đầy sinh lực, vẫn đưa ra những ý tưởng tươi mới và quyết định sáng suốt… Tiếc rằng, điều này không phải là minh chứng để khẳng định họ đang làm việc trong trạng thái tinh thần lý tưởng nhất, mà chỉ là họ buộc phải làm như thế.
Nếu bạn đã tham gia vào môi trường công sở một thời gian, nhiều khả năng bạn sẽ thốt lên “Làm việc dưới áp lực cao trong thời gian dài mà vẫn vui vẻ, tỉnh táo và sáng tạo ư? Không thể nào!”. Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà chúng ta được yêu cầu trong công việc: năng suất cao và thái độ tích cực bất chấp cảm xúc bên trong có đang muốn “nổ tung” đi chăng nữa.
Thứ tư duy xem nhẹ cảm xúc trong môi trường công sở đó đã khiến Molly West Duffy - cựu chuyên viên quản lý sản phẩm tại một công ty khởi nghiệp - mắc chứng lo âu đến mức một bên mặt bị tê liệt hoàn toàn, và Liz Fosslien - một nhà phân tích trẻ - phải bỏ việc ở một công ty tư vấn kinh tế. Từ trải nghiệm đó, hai người bạn này đã hợp tác viết nên “Thức dậy muốn đi làm” - cuốn sách dành cho bất cứ ai đang cảm thấy cô độc, nản chí, hay bất an tại nơi làm việc.
Cuộc đua của những kẻ “tử vì việc”
Cách đây không lâu, báo chí đăng tin Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập tập đoàn Alibaba - gây tranh cãi khi phát biểu rằng người trẻ Trung Quốc nên cảm thấy may mắn khi có cơ hội làm việc theo văn hóa 996 - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần, tổng cộng là 72 giờ/tuần. Dù thời gian làm việc của văn hoá này gần gấp đôi so với quy định của chính phủ, nhưng nó lại đang dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Thực tế là có không ít trường hợp phải làm việc lên đến 16 hay thậm chí 20 giờ một ngày. Cách làm việc này cũng tồn tại ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và đặc biệt là Việt Nam - nơi hiện tượng trầm cảm và đột quỵ do lao lực đã dấy lên nhiều thảo luận trên báo chí.
Trong môi trường như vậy, những người không thể đáp ứng đòi hỏi khắc nghiệt từ công việc bị xem là kẻ thua cuộc. Vậy kẻ thắng cuộc thì sao?
Trong bộ phim nổi tiếng “The Devil Wears Prada”, nhân vật chính Andy vốn là một cô gái trẻ mang nhiều hoài bão và mong muốn có công việc đem lại giá trị tích cực. Sau một thời gian làm việc ở tạp chí thời trang Runway, nơi mà ai cũng xem nhau là đối thủ cần phải đánh bại, dưới trướng tổng biên tập Miranda không khác gì một “ác quỷ”, Andy biến đổi đến mức sẵn sàng đâm sau lưng đồng nghiệp để giành một cơ hội mà ai cũng mơ ước. Cô giành chiến thắng, nhưng đã từ bỏ những giá trị tốt đẹp của mình.
Bạn thấy đấy, trong cuộc đua khốc liệt này, người chiến thắng hay kẻ thua cuộc đều là những kẻ “tử vì việc”. Chúng ta tin rằng thành tựu chốc lát trong sự nghiệp sẽ đem lại hạnh phúc. Nhưng sự thật thì ai cũng là con người với cảm xúc có thể bị tổn thương, sức khỏe có thể bị hao mòn, gia đình và các mối quan hệ có thể bị tan vỡ khi dành quá ít thời gian gìn giữ. Chúng ta hủy mình cho một hạnh phúc được định nghĩa sai lầm, ở một tương lai không thể chạm tới.
Vậy nên, “thứ uy quyền áp chế buộc chúng ta phớt lờ cảm xúc của mình tại công sở cần phải bị đánh bại”, bộ đôi tác giả của “Thức dậy muốn đi làm” khẳng định.
An toàn tâm lý - nền tảng tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp
Năm 2001, công ty Best Buy cho ra mắt chương trình ROWE (Results-Only Work Environment - Môi trường làm việc chỉ coi trọng kết quả). Trong chương trình này, mọi nhân viên được trao quyền tự sắp xếp kế hoạch làm việc phù hợp với riêng họ: người trẻ chọn ca làm trễ để mỗi sáng có thể tập thể dục, người có gia đình rời cơ quan sớm để dành thời gian đón con cái, người cảm thấy kiệt sức có thể tạm nghỉ để đi du lịch, và người hướng nội không bị bắt buộc tham gia mọi cuộc họp. Kết quả là môi trường làm việc có vẻ “thiếu kiểm soát” này đã đem lại những kỳ tích: tỷ lệ nghỉ phép và bỏ việc giảm mạnh, năng suất công ty tăng vọt, ngay cả thành viên kém nhất cũng trở nên vượt trội. Best Buy đã thành công nhờ nhìn nhận nhân viên như những cá nhân có tính cách đa dạng, có cảm xúc và cuộc sống riêng ngoài văn phòng.
Hơn nữa, cảm xúc vốn có tính lây truyền. Tâm trạng của mỗi người không chỉ được cải thiện bằng cách chăm sóc bản thân, mà còn từ việc tương tác với người khác. Thời nay, không ít văn phòng là tập hợp của những con người thuộc nhiều chủng tộc, giới tính và độ tuổi khác nhau. Khoảng cách văn hóa yêu cầu mỗi người có sự nhạy cảm trong giao tiếp. Ví dụ, tập cách phát âm chính xác tên của đồng nghiệp người nước ngoài, hay hỗ trợ đồng nghiệp lớn tuổi sử dụng các phương tiện kỹ thuật số - đây là những hành động tích cực, tuy nhỏ nhưng đủ khả năng để kết nối ngay cả đối với những cá tính khác biệt nhất.
Hay trong giai đoạn mà cả thế giới đang phải gánh chịu sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thì việc chú ý đến những chi tiết nhỏ như vậy còn có hiệu quả rất lớn khi chúng ta làm việc tại nhà. Nếu trong giao tiếp mặt đối mặt, ta thường “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, thì khi giao tiếp trực tuyến, ta hãy thử đọc lại những gì mình viết để kiểm tra mức độ cảm xúc trước khi nhấn “gửi”. Khi không được hỗ trợ bằng nét mặt thân thiện hay giọng nói ấm áp, một dòng chữ mắc lỗi diễn đạt cũng có thể vô tình gây nên những căng thẳng không đáng có cho đôi bên. Ngược lại, một biểu tượng cảm xúc được dùng đúng thời điểm lại hoàn toàn có thể làm dịu tinh thần của đồng nghiệp ở phía bên kia màn hình. Như vậy, chính sự lưu tâm đến khía cạnh cảm xúc đã giúp ta nâng cao tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong mọi hành động ta làm.
Liz và Mollie là hai phụ nữ da trắng ở độ tuổi đầu ba mươi, nhưng những chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân lẫn phân tích tâm lý và xã hội của họ trong “Thức dậy muốn đi làm” có tầm bao quát rất rộng. Cho dù bạn mới ngày đầu đi làm hay đã có thâm niên, là nhân viên hay đang giữ vị trí lãnh đạo, bạn đều có thể góp phần xây dựng nên một môi trường làm việc với đầy đủ mức độ an toàn tâm lý. Khi đó, mỗi sáng thức dậy, bạn biết rằng ngày làm việc trước mắt sẽ không phải là cuộc chiến đầy thương tổn, mà là cơ hội để bạn cùng đồng nghiệp đạt được những thành tựu cho tương lai./.