Sau hơn 2 tháng phát động cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” kể từ ngày phát động 26/4/2019, ban tổ chức là báo Nông thôn Ngày nay, Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi với chất lượng khá đồng đều, trong đó bên cạnh những cây bút không chuyên còn có cả những nhà văn chuyên nghiệp như: nhà văn Trần Chiến, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Văn Thọ, Trần Thanh Cảnh...

Nhà văn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Đây sẽ là cơ hội để tìm kiếm nhiều tài năng mới, lạ, đặc biệt là các cây bút địa phương vốn là nguồn lực sáng tác dồi dào. Với 70% dân số Việt Nam là nông dân, nông thôn từ lâu đã gắn liền với văn hóa lâu đời của dân ta, là cái nôi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Tổ chức một cuộc thi về đề tài này là để đưa đời sống nông thôn đến góc nhìn của các nhà văn”.

truyen_ngan_iaed.jpg
 

Lịch sử văn học Việt Nam cho thấy, các tác phẩm văn học kinh điển được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo khoa thường lấy bối cảnh làng quê Việt Nam như, truyện ngắn “Chí Phèo”, “Đời thừa”, “Lão Hạc” của Nam Cao, “Làng” và “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hay “Bến quê”, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu,… với những câu chuyện ruộng đồng, các mối quan hệ trong gia đình, những tục lệ tục làng.

Không chỉ dừng lại trên trang sách, các tác phẩm còn xuất hiện rất nhiều ở các luận văn, luận án tốt nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ hay trên các trang viết của các nhà phê bình văn học. Có thể nói, văn học Việt Nam đã từng có thời kì tập trung vào đề tài nông thôn và để lại những tác phẩm xuất sắc cho thế hệ sau.

Ngày nay với sự vận động và phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đời sống nông thôn, làng Việt dần thay lớp áo mới. Việc viết về nông thôn và người nông dân với sự “can thiệp” của thời đại 4.0 vừa là thách thức vừa là kì vọng của ban tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”.

Những người tổ chức mong muốn, cuộc thi là dịp tôn vinh người nông dân Việt Nam, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo trong nông nghiệp cũng như bảo vệ, phát huy các phong tục văn hóa, nét đẹp của làng quê Việt. Thông qua những truyện ngắn được gửi về từ khắp nơi trên đất nước có thể phát hiện và bồi dưỡng những cây bút triển vọng cho đời sống văn học nước nhà.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay hy vọng, cuộc thi sẽ là cầu nối để công chúng quan tâm hơn tới nông thôn Việt Nam: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mọi người đừng lãng quên những giá trị của nông thôn, của làng Việt – những nơi đã nuôi sống chúng ta từ 4.000 năm nay và cho đến bây giờ vẫn đang tiếp tục nuôi sống chúng ta”.

Nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Cùng tham gia tổ chức cuộc thi, Ban Văn học Nghệ thuật mong muốn làm phong phú, nâng cao chất lượng các tác phẩm phát sóng trên chương trình “Đọc truyện đêm khuya” đã từ lâu có thương hiệu, đồng thời tạo nhịp cầu nối các tác giả với lượng người nghe lớn của phát thanh Văn nghệ”.

Cuộc thi kéo dài từ 4/2019 đến 4/2021, ngày trao giải dự kiến là 7/5/2021, đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông Thôn Ngày Nay đầu tiên. Danh sách người đoạt giải sẽ được công bố trên báo Nông Thôn Ngày nay, báo điện tử Dân Việt - danviet.vn, Báo Văn Nghệ - vannghe.com.vn; website của Hội Nhà văn Việt Nam - vanvn.net và trên sóng VOV6, Trang web VOV6.VOV.VN.

Thể lệ cuộc thi:

Đối tượng dự thi - Tất cả các công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. - Thành viên Ban tổ chức, Ban sơ khảo, Ban giám khảo và Nhà tài trợ không được tham dự cuộc thi.

Điều kiện dự thi - Tác phẩm dự thi phải là truyện ngắn viết bằng tiếng Việt không quá 10.000 chữ, ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều truyện nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh.

Tác phẩm dự thi phải chưa được công bố trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân. - Người dự thi cam kết chịu trách nhiệm về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ của tác phẩm.

Các tác phẩm dự thi sẽ được chọn đăng trên báo Nông Thôn Ngày Nay, báo điện tử Dân Việt - danviet.vn, báo Văn Nghệ - baovannghe.com.vn, website của Hội Nhà văn Việt Nam - vanvn.net, phát thanh trên VOV6 và trực tuyến trên trang VOV6.VOV.VN, được hưởng chế độ nhuận bút 1 lần theo quy định.

Các tác phẩm không được sử dụng, Ban tổ chức không trả lại bản thảo. Các tác phẩm xuất sắc và đoạt giải sẽ được tập hợp in sách.

Cơ cấu giải thưởng:

1 giải nhất: 50 triệu đồng.

2 giải nhì: 20 triệu đồng/giải.

3 giải ba: 10 triệu đồng/giải.

10 giải khuyến khích: 3 triệu đồng/giải.

Giải thưởng cho tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất: 5 triệu đồng/giải.

Ban giám khảo:

- Ban sơ khảo gồm các đại diện của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nông Thôn Ngày Nay, Báo Văn Nghệ, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài TNVN.

Ban chung khảo sẽ gồm đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban sơ khảo và một số nhà văn nổi tiếng, có uy tín, do ba cơ quan tổ chức cuộc thi lựa chọn.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi - Đường bưu điện: Báo Nông Thôn Ngày Nay - Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội (ĐT: 024.37282662). - Qua email: thitruyennganntnn@gmail.com./.