Tiểu thuyết “Hoàng tử bé” là một trong những cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, thuộc sở hữu của Thư viện & Bảo tàng Morgan ở New York, nơi tác giả Antoine de Saint-Exupery viết cuốn tiểu thuyết năm 1942. Tại cuộc triển lãm trưng bày hàng chục ấn bản tiếng nước ngoài, bao gồm cả bản dịch gần đây nhất, bằng tiếng Rapa Nui của Đảo Phục sinh.

Mặc dù rất nổi tiếng với nhiều thế hệ độc giả nhưng cho tới nay, rất nhiều nhiều người không hề để ý rằng, bản gốc của cuốn tiểu thuyết được Antoine de Saint-Exupery sáng tác tại Mỹ. Cô Anne Monier Vanryb, người đứng đầu Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Paris, cho biết: “Một trong những điều người xem thấy được là tiểu thuyết này được viết tại New York. Chúng ta đã biết điều này từ lâu. Nhưng rất nhiều độc giả, đặc biệt là các em nhỏ, những người đọc 'Hoàng tử bé' ở Pháp ngày nay, không hề biết rằng Antoine de Saint-Exupery đến New York vào năm 1940 và viết tiểu thuyết ở đó. Tiểu thuyết được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp cùng lúc, vào tháng 4 năm 1943 tại New York. Tới năm 1946, tiểu thuyết này mới được xuất bản bằng tiếng Pháp ở Paris. "

Triển lãm cũng trưng bày các bức vẽ màu nước, bản phác thảo hay những bức tranh, thư từ cho thấy Antoine de Saint-Exupery là một nghệ sĩ đồ họa xuất sắc với sở trường là những đường nét đơn giản. Cô Monier Vanryb nói: "Có hàng trăm bản thảo trong cuộc triển lãm lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Một số bản nháp trong đó vẽ hoàng tử nhỏ với một con chó, với một con vẹt, với một con ốc sên, chứ không phải là một con cáo. Những phát hiện này chưa từng được biết đến trước đây”.

“Hoàng tử bé” là câu chuyện về một phi công bị hỏng máy bay và rơi xuống sa mạc Sahara. Tại đó, người phi công đã gặp một cậu bé chính là "Hoàng tử bé" và được nghe kể về quê nhà của cậu - một tiểu tinh cầu. Chi tiết này được lấy cảm hứng từ chính một sự việc trong cuộc đời của tác giả. Năm 1935, tác giả và một người bạn đã thực hiện 1 chuyến bay từ Paris tới Sài Gòn với mong muốn lập kỷ lục để lấy được giải thưởng lên tới 150 nghìn franc. Tuy nhiên, máy bay đã bị rơi tại sa mạc Sahara, họ may mắn được một người Ả-rập cưỡi lạc đà cứu sống sau 4 ngày kiệt sức vì không có nước uống giữa sa mạc./.