Đời sống hiện đại đặt ra nhiều thách thức với sự tồn tại, tiếp diễn của văn hóa truyền thống Tây Nguyên, nhưng cũng đang tạo nên những con người mới và những cơ hội mới. Văn hóa đại ngàn của Tây Nguyên, nhờ lớp người mới ấy với sản phẩm làm nghề của họ, đã được lưu giữ và hồi sinh.
Sự xâm thực của lối sống hiện đại khiến âm sắc văn hóa đại ngàn Tây Nguyên không còn cuồn cuộn như trước nhưng vẫn róc rách trong đời sống hiện đại, với sự trong trẻo và chân thành như muôn nghìn năm cũ bởi có những hạt giống được gieo mầm ngay tại các buôn làng.
Làm cối gỗ đã thành nghề
Tiếng máy cưa xăng, máy bào, lúc rền rĩ, lúc chỉ lao xao… Đó là âm thanh rất đặc trưng ở làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Mùi gỗ, mùi vỏ cây, nhựa cây thoang thoảng báo cho khách biết ở đây có cơ sở sản xuất đồ gỗ.
Và quả thật, Breng là làng dân tộc thiểu số hiếm hoi ở Gia Lai làm đồ gỗ như một nghề để kiếm sống. Đặc biệt hơn nữa, nghề này chỉ có thanh niên tham gia và loại sản phẩm duy nhất được xuất xưởng là những chiếc cối gỗ truyền thống.
Theo A Thắng, nghề làm cối cũng tương đối nguy hiểm, nhất là khi mới tập làm. Dùng cưa không khéo, phôi cối tròn sẽ lăn đi, lưỡi cưa trượt ra ngoài dễ gây thương tích. Dùng nạo để hoàn thiện cối lại càng dễ bị thương bởi lưỡi nạo sắc bén hoặc do dằm gỗ đâm vào tay. “Nhưng so với ngày xưa ông bà mình làm thì đã dễ và nhanh hơn nhiều. Ông bà xưa phải luân phiên dùng than lửa đốt cho phần lõi khúc gỗ cháy xuống, sau đó dùng dao để gọt bỏ than. Như vậy nhanh lắm thì cũng 1 ngày mới xong 1 cái cối. Bởi vậy, hồi xưa chẳng có ai làm nghề sản xuất cối gỗ cả. Nhưng nay thì có máy phụ trợ, chỉ cần 40 phút là có thể xong một chiếc cối cao tới đầu gối, rộng hơn 1 gang tay, bán được ít nhất là 250 nghìn đồng” - A Thắng nói.
Cũng theo nghề làm cối gỗ ở làng Breng, anh A Nhun cho biết, tuy cách làm cối gỗ truyền thống không còn được kế thừa, nhưng kinh nghiệm chọn gỗ của ông bà xưa thì còn nguyên giá trị. Cây được chọn nhiều nhất để làm cối là cây tơ nang và cây cà chít. Những cây này lúc còn tươi thì dai, mềm, dễ chế tác thành cối. Khi khô, gỗ cứng lại như đá, giúp cối được bền bỉ trong quá trình sử dụng. Cây tơ nang và cà chít giờ còn rất ít thì bà con tìm được loại có tính chất tương tự là gỗ của cây xà cừ. Và những cối, những chày từ làng Breng, theo những chuyến xe tới các làng ở khắp Gia Lai, Kon Tum, được bán với giá từ 300.000 - 700.000 đồng/bộ.
Hiện đại hơn, một số buôn Ê đê, M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk đã biết đầu tư máy tiện. Nhờ công cụ này, chỉ cần 1 người đứng máy là đủ thi công liên tục từ lúc tạo phôi đến hoàn chỉnh. Cũng nhờ máy tiện, chiếc cối gỗ của các buôn ở Đắk Lắk dễ dàng được dáng eo như dáng gùi của cối gỗ cổ truyền, lại có thêm nắp, thêm núm rất hiện đại, để đậy - mở miệng cối mỗi khi sử dụng hay cất giữ. Cối - chày Ê đê, M’Nông ở Đắk Lắk cũng tìm đến các buôn làng bằng con đường hiện đại hơn, đó là đăng - bán trên mạng xã hội và ship tới tận tay khách hàng gần xa.
Nhịp chày kết nối cộng đồng
Đã vài năm nay, ông Y Dĩnh Niê, ở Buôn Kốp, xã Drây Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk mở dịch vụ homestay. Có lẽ bởi vậy, căn nhà cạnh cụm thác Drây Sáp - Đrây Nu nổi tiếng gần như trở thành nơi để “về nguồn” văn hóa Ê đê. Ở đây có cả cối cũ, cối mới. Có cái đang sử dụng, có cái đã thành cổ vật, chỉ để trưng bày. Theo ông Y Dĩnh, không bao giờ một gia đình Ê đê biến chiếc cối cũ, thành củi đun, dù nó bị rạn nứt hay mòn, thủng. Bà con giữ cối cũ cũng không phải như giữ một thứ cổ vật có giá trị, mà bởi sự tri ân đã ăn sâu vào tâm thức: “Trước đây, một cái cối có khi gắn bó với gia đình đến cả chục năm, giúp cho gia đình chế biến món ăn hằng ngày, nên bà con không bao giờ coi cối như một khúc gỗ hay củi”.
Cũng theo ông Y Dĩnh, bây giờ, trừ gạo ăn hằng ngày là được xay xát bằng máy, còn hầu như mọi thứ, người Ê đê vẫn dùng cối: Cối để giã bột, giã tiêu, ớt gia vị. Nhiều loại rau rừng, lá rẫy, dù để nấu canh hay để xào hay nấu, cũng đều được giã cho hương vị quện thấm vào nhau. Bởi thế, cũng như ở nhiều gia đình Ê đê khác, món ăn ở nhà Y Dĩnh không có hình thức bóng bẩy, nhưng luôn đậm đà khó quên.
Chị H’Thi là biên dịch viên một chương trình phát thanh tiếng M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk, “mở tiệm chày - cối” trên trang Facebook của mình. Mới bán từ tháng 11 năm ngoái, mà đến nay, H’Thi không thể nhớ nổi số lượng đã bán ra. Theo chị, cối gỗ vẫn phổ biến ở các buôn làng là bởi người Ê đê, M’Nông nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung, vẫn có tính cộng đồng rất chặt chẽ. H’Thi liên tưởng: “Người Kinh cũng có cối gỗ, cũng để giã một số món ăn và gia vị, nhưng cối rất nhỏ. Cối gỗ của người Tây Nguyên, ngoài hình dáng khác, thì kích thước lớn hơn gấp nhiều lần. Không chỉ vì bà con có nhiều thứ để giã hơn, mà còn là để giã được nhiều hơn, phục vụ cho nhiều người ăn hơn. Như anh thấy đấy, làm gì có gia đình nào ở các buôn mà ít người đâu. Bữa nào ít cũng bảy, tám người ăn, và luôn có món cần phải giã. Nếu gia đình nào có đám, sẽ cần đến dăm bảy chiếc cối như thế, tiếng giã bột, giã lá, giã gia vị thậm thịch khắp sân, khắp vườn”...
Nụ mầm truyền thống gieo trong vườn 4.0
Trong khi H’Thi - người phụ nữ M’Nông thích thú với việc đăng bán những chiếc cối gỗ trên mạng Facebook và kể cho khách hàng nghe về những câu chuyện, những món ăn truyền thống ra đời từ miệng cối, thì H’Nêch Bkrong, một cô nàng Ê đê ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, lại dùng mạng xã hội để bán nông sản - đặc sản của gia đình và buôn làng: từ trái bắp nếp dân dã, nụ nấm mối đầu mùa mưa, bông núc nác lạ lẫm, trái cà đắng quen thuộc tới hoa Djam Tang đặc sản… và thứ nào cũng bán chạy không ngờ.
Chẳng những khách hàng ở các buôn dân tộc thiểu số chốt mua sản phẩm quen thuộc, mà nhiều người Kinh cũng muốn nếm thử những thứ trước đây họ mới chỉ được nghe tên. Như hoa Djam Tang, trước đây chỉ mọc tự nhiên ven suối, chỉ những cụ già nhiều kinh nghiệm là rành rẽ chỗ nào mọc nhiều, nơi nào mọc ít, nên hầu như không có trên thị trường. Rừng Tây Nguyên bị thu hẹp, sông suối bị đắp đập, chặn dòng, hoa Djam Tang có nguy cơ tuyệt chủng khi nhiều người vẫn chưa kịp thưởng thức. Thế nhưng, đặc sản này, nay thậm chí đã có đủ cho H’Nếch bỏ sỉ. Có tuần, chị bán được hơn 1 tạ, thu về hơn 7 triệu đồng. “Có lẽ là mạng xã hội đã cứu được cây Djam Tang cùng nhiều đặc sản khác của người Ê đê, tại vì giao lưu trên đó, mọi người mới biết, mới hỏi mua. Từ đó mới có người giữ giống, đem về trồng, rồi mới thành sản phẩm như bây giờ”, H’Nếch bày tỏ.
Chị H’Hương A Yun, một thợ dệt thổ cẩm ở buôn Brah, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ: “Mấy năm trước, nghề dệt thổ cẩm ở địa phương gần như bế tắc, nhưng nay thì dệt không kịp bán. Động lực cho thay đổi này chính là H’Hen Niê, người con của Cư M’Gar đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam trong tà áo chất liệu thổ cẩm truyền thống, với câu chuyện về hành trình vươn tới đầy tự tin. Giờ thì trai gái nào cũng sắm cho mình ít nhất 1 bộ thổ cẩm truyền thống. Và cũng nhờ mạng xã hội mà thổ cẩm truyền thống bán chạy hơn”./.