10 phần phim và 6,6 tỷ USD

Fast & Furious 9 đánh dấu cột mốc phần phim thứ 10 trong series bom tấn hành động sở hữu lượng fan khổng lồ nhất nhì thế giới. Vào năm 1998, khi bài báo mô tả thế giới đua xe đường phố New York đầy kích thích với tựa đề "Racer X" của tác giả Ken Li ra mắt, ít ai ngờ rằng đây là khởi đầu của một loạt phim mang về doanh thu hàng tỉ USD. Ý tưởng xuất phát từ những cuộc đua đêm phát triển thành câu chuyện của nhóm cướp ô tô do tay đua Dominic Torretto (Vin Diesel) cầm đầu bởi đạo diễn Rob Cohen, The Fast and the Furious đã ra đời như thế.

Công chiếu vào mùa hè năm 2001, khi Lara Croft: Tomb Raider vẫn đang là tựa phim hot nhất rạp chiếu, The Fast and the Furious được dự đoán chỉ là một cú hit nho nhỏ. Nhưng giới truyền thông và phê bình đã có một phen kinh ngạc khi bộ phim bất ngờ giành vị trí số một tại phòng vé Mỹ, thu về 40 triệu USD ngay trong tuần ra mắt. Sau cùng, tác phẩm hành động kinh phí vỏn vẹn 38 triệu USD đó đã thu về 144,5 triệu USD tại Bắc Mỹ và 207,2 triệu USD trên toàn thế giới.

Con số đó từng "gây bão" phòng vé năm 2001 nhưng dường như chẳng là gì so với thành tích của thương hiệu Fast & Furious ngày nay. Trải qua 20 năm làm mưa làm gió trên màn ảnh rộng với 9 phần phim, Fast & Furious đã thu về tổng cộng 6,6 tỷ USD từ các phòng vé trên khắp thế giới, trở thành thương hiệu phim kiếm nhiều tiền thứ năm mọi thời đại và là thương hiệu phim kịch bản gốc kiếm nhiều tiền thứ hai mọi thời đại.

Qua mỗi phần phim, Fast & Furious không những không khiến khán giả nhàm chán mà ngày càng thu thập lượng người xem "khủng"; đồng thời mở ra "vũ trụ điện ảnh" ngày càng rộng lớn. Để quảng bá cho thương hiệu phim, các nhà làm phim cùng dàn diễn viên đã di chuyển một quãng đường lên tới hơn 151 triệu km qua 18 Quốc gia. Con số này tương đương với việc đi vòng quanh thế giới 32 lần và là minh chứng cho sức hấp dẫn không thể ngăn cản của Fast & Furious với người yêu phim hành động toàn cầu.

Thương hiệu hành động hàng đầu thế giới

Sau khởi đầu thành công rực rỡ, Fast & Furious chưa thực sự "cất cánh" ở hai phần tiếp theo. Xuất phát điểm là một phim kinh phí thấp với kỹ xảo chưa thực sự chỉn chu, phải tới phần phim Fast Five, series này mới định hình trở thành bom tấn hành động. Bước ngoặt của loạt phim là khi biến những pha lật xe tải, phá hủy tòa nhà, xe ô tô bay trên không trung thành thương hiệu không thể nhầm lẫn của Fast & Furious.

Những khoảnh khắc hành động bất chấp mọi quy luật vật lý mang đến cho người xem trải nghiệm khiến họ phải há hốc miệng thán phục. Tính giải trí của Fast & Furious là không thể chối cãi, dù thương hiệu có nối dài tới bao nhiêu phần và quy mô cũng như mức độ điên rồ của cảnh hành động có nhân lên tới bấy nhiêu lần. Có tới hơn 12.000 chiếc ô tô đã được sử dụng trong cả 10 phần phim. Ước tính có tới 2.500 chiếc xe đã bị phá huỷ trong suốt quá trình làm phim, đồng nghĩa với việc cứ 49 giây trong phim sẽ có 1 chiếc ô tô bị phá huỷ hoàn toàn. Trong thế giới của Fast & Furious, một chiếc ô tô có thể lao qua hai tòa nhà hay hạ gục cả máy bay, không điều gì là không thể.

Gia đình- bí quyết thành công của thương hiệu tỷ đô

Nếu Fast Five đánh dấu thành công về chất lượng hành động thì phần phim thứ tư Fast & Furious ra mắt năm 2009 đã xác định được "linh hồn" của thương hiệu. Sau hai phần phim vắng mặt những nhân vật chủ chốt, Fast & Furious 4 đưa dàn diễn viên chính gồm Paul Walker, Vin Diesel, Jordana Brewster, Michelle Rodriguez trở lại đầy đủ và khai sinh khái niệm "Gia đình Fast". Điểm tựa quan trọng này đã đưa series phát triển nhanh hơn bất cứ loạt phim nào cùng thời.

Sau tất cả những pha hành động kỹ xảo và cháy nổ ngoài sức tưởng tượng, giá trị đọng lại sau cùng chính là "gia đình". Tinh thần không thể thay thế đó đã đưa các nhân vật và cả dàn diễn viên thủ vai gắn kết với nhau, thậm chí cùng nhau vượt qua bi kịch- sự ra đi bất ngờ của Paul Walker ngay trước khi hoành thành Furious 7. Ngay từ đầu những thước phim đầu tiên cho tới 20 năm sau, Fast & Furious luôn là câu chuyện về một gia đình mà bạn lựa chọn gắn bó, trung thành và hy sinh tất cả để bảo vệ.

Ở Fast & Furious 6, nhà làm phim tạo ra một "kẻ thù hoàn hảo" chống lại gia đình Fast chính là một thành viên tưởng rằng đã qua đời. Furious 7 kết thúc bằng cảnh phim Paul Walker ngồi trong xe mỉm cười vẫy tay chào người anh em Dom đã lấy đi không ít nước mắt khán giả. The Fate of the Furious thì mang tới một phản diện có khả năng khiến Dom chống lại chính gia đình mình. Còn Fast & Furious 9, Dom phải đối diện với người em cùng huyết thống để bảo vệ những người anh khẳng định rằng "Họ không phải là bạn bè, họ chính là gia đình tôi".

Những giá trị mà Fast & Furious thể hiện không bao giờ trở nên cũ kĩ. Series hành động này không phải là những tác phẩm đầu tiên dùng tình thân làm đề tài cốt lõi nhưng lại là thương hiệu thành công nhất trong việc biến nó thành bí quyết giữ chân khán giả suốt 20 năm./.