Tối nay (31/12), trong không khí chào đón năm mới 2022, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam, thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, Yên Bái”. Dự buổi lễ có các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương.
Toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện có trên 7.000 ha diện tích ruộng bậc thang, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn. Tại Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Danh lam, thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đến với Mù Cang Chải dù chỉ 1 lần, du khách không chỉ choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vỹ như một tuyệt tác của ruộng bậc thang, mà còn cảm phục sự cần cù, chịu khó, với sức lao động diệu kỳ của đồng bào dân tộc Mông - những người tạo nên “thiên đường” ruộng bậc thang.
Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng 9 và tháng 10 hàng năm, khi những thửa ruộng bậc thang chín vàng và là một nghi thức không thể thiếu trong đời sống của người Mông ở Mù Cang Chải. Lễ cúng cơm mới của đồng bào Mông nhằm thể hiện sự biết ơn, hiếu thuận của con cháu với ông bà, tổ tiên và các vị thần. Theo quan niệm của người Mông, việc ăn cơm mới là một sự kiện đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong một năm lao động vất vả. Sau khi làm lễ cúng thì gia đình mới chính thức được dùng thóc lúa của năm mới.
Chương trình đêm nay có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tái hiện quá trình khai khẩn, chinh phục các sườn núi cao tạo nên hệ thống ruộng bậc thang phục vụ cho đời sống con người và những truyền thống văn hóa đặc sắc xoay quanh hình thức canh tác đặc biệt này...
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Mù Cang Chải xác định tổ chức sự kiện với quy mô nhỏ, nhưng có sự lan tỏa rộng lớn thông qua hình thức trực tuyến. Chương trình cũng được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, trên các trang báo điện tử của Trung ương và địa phương để nhân dân trong và ngoài nước tiện theo dõi.
Anh Giàng A Ly - người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải tham dự buổi lễ phấn khởi, tự hào vì ruộng bậc thang được công nhận danh thắng đặc biệt. “Tôi sẽ tiếp tục cùng với bà con tôn tạo và bảo vệ ruộng bậc thang để huyện nhà ngày thêm đẹp và thu hút du khách”, anh Giàng A Ly bày tỏ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng Cơm mới, gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm truyền thống phục vụ phát triển du lịch; Khơi dậy lòng tự hào cho người dân, nêu cao ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, di sản và biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương...
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận việc giữ gìn, phát huy di sản của chính quyền các cấp và nhân dân Yên Bái trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh cần bảo vệ và phát huy hơn nữa di sản để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Cụ thể là triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nguyên trạng vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt, Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; chú trọng tu sửa, chỉnh trang cảnh quan khu vực di tích; Xây dựng và triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ mừng Cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch; Khơi dậy niềm tự hào về di sản của người dân về di sản…
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam, thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, Yên Bái diễn ra đến hết ngày 1/1/2022 với nhiều hoạt động khác như lễ hội giã bánh giày của người Mông Mù Cang Chải; Thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải.../.