Hầu hết bạn đọc xưa và đến gần đây vẫn biết tới Nguyễn Xuân Sanh như một nhà thơ theo trường phái “cõi khác”, kỳ bí, khó hiểu. Những câu thơ như “Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi/ Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời” hay “Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa” được mặc định “đại diện” bao trùm chất thơ, phong cách thơ Nguyễn Xuân Sanh.
Có phiến diện quá không, và có vô tình quên, rằng nhà thơ đã có tới hai sáng tác được đưa vào sách giáo khoa. Mà hai bài thơ này, bài “Nhớ dừa” trong sách giáo khoa Tập đọc lớp 4 những năm 50 thế kỷ trước và bài “Cô giáo lớp em” trong sách giáo khoa Tiếng Việt quen thuộc với học sinh tiểu học đầu những thập niên 2000 hoàn toàn là những bài thơ dễ đọc, dễ hiểu, không có nhiều dụng công ngôn từ khác lạ. Có lẽ ấn tượng ban đầu của nhiều người về thơ Nguyễn Xuân Sanh, như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ đơn thuần là “Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt/ Quê em dù xa tít/ Em vẫn nhớ vẫn thương…” (Nhớ dừa). Những thế hệ sau, 8x, 9x, ai mà không nhớ, không thuộc những câu: “Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi/ Đáp lời “Chào cô ạ!”/ Cô mỉm cười thật tươi” (Cô giáo lớp em). Bài thơ thể 5 chữ, ba khổ, hiền hòa, dung dị, chẳng thấy đâu lối làm thơ tiết tấu, kiểu cách, xa vời.
Nói đúng hơn là Nguyễn Xuân Sanh, ngay cả trong những câu thơ mà nhiều người lấy làm băn khoăn, nghĩ ngợi, thì tác giả cũng không chủ trương khiến cho bạn đọc phải nhọc công đoán định, truy tìm ý nghĩa. Câu thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” đã từng được nhà thơ giải thích rất đơn giản là hình ảnh, hơi thở của mỗi mùa qua đĩa hoa trái chưng trên ban thờ của nhà. Tưởng mông lung, trừu tượng, hóa ra cũng rất đời thường. Như vậy mới biết hình ảnh, liên tưởng và ngôn ngữ đẹp đã thơ hóa vi diệu, để nhớ và cả để lại suy tư, xao động dằng dặc ra sao trong lòng người yêu thơ.
Không chủ tâm đánh đố bạn đọc nhưng những bài thơ có vẻ cầu kỳ, khó hiểu nhưng cũng đầy mãnh lực và cuốn hút của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đều chọn chung một đường đi. Đó là đổi mới, cách tân trên tinh thần tiếp thu ngôn từ tiếng Việt. Không ảnh hưởng hơi hướng thơ tượng trưng Pháp, cũng không bộc lộ những hưng cảm bất thần, dữ dội, những “Buồn xưa”, “Bình tàn thu”, “Hồn ngàn mùa” có những câu thơ gợi và đẹp đến nao lòng. Giữa một dàn đồng ca của những Xuân Diệu đầy Tây hóa, Thâm Tâm hoài cổ, và những giọng thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên ráo riết “truy tìm” phong cách biểu đạt thật rúng động, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng như những thành viên của “Xuân Thu nhã tập” như Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh đã nhất tâm chủ trương một lối thơ dân tộc nhưng không lặp lại, không cũ kỹ - trái lại, tươi mới và gây tò mò, băn khoăn không chỉ trong ngày một ngày hai. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tôn thờ ẩn dụ trong thơ vì thế ông luôn trăn trở làm sao cho “cái nết” trong thơ không “đánh chết” cái đẹp mà hay và đẹp hòa quyện trong hình hài bay bổng, sống động. Ông không ngại thể hiện quan niệm ấy trong thơ. Và sau rất nhiều năm nước đôi, nghi hoặc, những chuyển động của thơ đến ngày hôm nay đã cho thấy Nguyễn Xuân Sanh hơn 80 năm trước đã có những tư duy thơ mới mẻ, vượt thời khi đề cao tinh thần dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt và đã có những trái ngọt hữu xạ tự nhiên hương vượt không gian, thời gian.
Tinh thần đổi mới của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh không chỉ trong thơ mà hãy còn tiếp nối trong nhiều công việc, hoạt động văn học, văn hóa chiều sâu, ý nghĩa. Ông miệt mài, kỳ công chuyển ngữ hàng chục tập thơ của những tên tuổi như Petőfi Sándor (Hungary), Paul Éluard (Pháp), Tomas Tranströmer (Thụy Điển)… Chỉ có thể lý giải như Dịch giả Thúy Toàn rằng cái tâm đã khiến tác giả “Buồn xưa” từ phát hiện vẻ đẹp của thơ ca thế giới đã không quản mệt nhọc, lao động chữ nghĩa, dịch thuật lan tỏa vẻ đẹp ấy tới công chúng, độc giả đất nước mình. Trong vai trò là Trưởng ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, bằng tài năng, trách nhiệm, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã phát huy được phận sự của mình như thế. Chưa kể đến những cuộc đi nói chuyện thơ văn ở các địa phương mà ông luôn là người “đầu têu”, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong công chúng yêu thơ, mà trong số đó, có những người sau này theo đuổi nghiệp văn chương, thí dụ như Nhà Phê bình văn học Vũ Nho.
Thời kỳ là Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ những năm đầu của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được gọi bằng cái tên đầy yêu mến - “Ông Đốc Sanh”. Là Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn, ông nâng đỡ nhiều trí thức trẻ có tài đang loay hoay tìm bến đỗ. Người giới thiệu thơ dịch từ tiếng Nga của Dịch giả Thúy Toàn trên báo Văn nghệ, chọn in trong Tuyển tập chất lượng là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Ông cũng là người hướng cho Dịch giả Thúy Toàn công việc biên tập về Văn học Nga – Xô Viết tại NXB Văn học, tạo đà sự phát triển trong nghề của đàn em.
“Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi/ Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời/…Người ơi người nẻo ngát tường nương/ Hồn Tương Giang đàn dựa buồn hường” (Bình tàn thu). Bình đã tàn thu, như những phấn nhụy đời hoa đã tận hiến cho đời – Và như đời người, đời nhà thơ, còn mãi đó những dư hương./.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (1920 - 2020) là nhà thơ, dịch giả, quê gốc Quảng Bình, sinh tại Đà Lạt. Ông học tập ở Hà Nội, sáng tác sớm, 16 tuổi đã có truyện đăng báo. Năm 1939, Nguyễn Xuân Sanh cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm “Xuân Thu nhã tập”. Năm 1942, “Xuân Thu nhã tập” xuất bản tuyển tập cùng tên gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh từng kinh qua nhiều trọng trách công việc, đáng nhớ ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II và III, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ. Ngoài công việc chuyển ngữ văn học có nhiều thành tựu, ông sáng tác nhiều thơ, trong đó bài “Buồn xưa” và “Bình tàn thu” được độc giả công chúng nhắc nhớ và tán thưởng nhiều hơn cả. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tạ thế vào sáng ngày 22/11 vừa qua. Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được tổ chức từ sáng ngày 27/11 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Công viên Vĩnh hằng (Ba Vì, Hà Nội)./.