Bộ sưu tập là một sự trải nghiệm của chính họa sĩ Nguyễn Tấn Phát với sự tương tác của người xem cảm nhận của người xem qua từng công đoạn làm ra một tác phẩm, người xem có thể xem tác giả làm trực tiếp từng công đoạn từ điêu khắc đến sơn mài, thậm chí có thể tự tay tham gia cùng làm với hoạ sĩ. Phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Tấn Phát để hiểu rõ hơn về bộ sưu tập 2022 bức tượng và phù điêu hổ vô cùng độc đáo này.
PV:Hình tượng hổ lâu nay phổ biến nhiều trong mỹ thuật dân gian, vậy điều gì khiến anh dành tâm huyết cho bộ sưu tập về hổ?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Chào mừng năm mới 2022 Nhâm Dần, bản thân là một hoạ sĩ, nghệ nhân sơn mài, tôi đã ấp ủ 2 năm để thực hiện 2022 bức tượng hổ được làm từ gỗ mít, đá ong là chất liệu bản địa tại miền trung du Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt, mong muốn mang lại món ăn tinh thần cho mọi người thưởng lãm dịp tết cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Bộ sưu tập 2.022 bức tượng và phù điêu hổ, với hai chủ đề chính là: Hình tượng hổ hiện thực với các bức tượng hình dáng như thật và chủ đề cách điệu, đưa hình tượng hổ về các hình khối đơn giản khúc triết, phù hợp với nội thất hiện đại.
Hình tượng hổ là một chủ để hóc búa với nhiều lĩnh vực sáng tác, với số lượng như vậy tôi muốn gửi gắm nhiều thông điệp, muốn thay đổi góc nhìn về Hổ là một loài vật hung dữ, với người Việt gần như chỉ được dùng trong tín ngưỡng tâm linh.
PV: Anh có thể giới thiệu những điều đặc biệt về hổ mà anh thể hiện trong bộ sưu tập này không?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Xuất phát từ đam mê mỹ thuật và tình yêu văn hoá Việt. Nhân dịp đón xuân Nhâm Dần, tôi cho ra mắt bộ sưu tập với số lượng tác phẩm tương ứng với số năm 2022 . Đó là điều thú vị, hàng ngàn tác phẩm độc bàn được tôi tự tay chế tác sẽ mang lại góc nhìn thưởng lãm thú vị, không bị nhàm chám.
Bản thân là một nghệ sĩ sáng tạo tôi muốn tôn vinh sự sáng tạo của người Việt nói chung và người sáng tạo nói riêng, tránh sự nhàm chán dập khuôn khi mà thị trường giờ rất khô khan và công nghiệp. Giá trị cốt lõi của nghề thủ công truyền thống của Thăng Long xưa cần được tôn vinh và phát huy.
Các bức tượng, phù điêu hình tượng hổ được tôi làm từ gỗ mít, đá ong phủ sơn mài. Tôi sử dụng các nguyên liệu bản địa. Nơi tôi sinh sống và làm việc là miền trung du Sơn Tây. Với các chất liệu này tôi thấy lột tả được tinh thần của tác phẩm. Khi sử dụng chất liệu bản địa này tôi cũng muốn cho thấy tài nguyên của Việt Nam là vô cùng phong phú và là có hội để sáng tạo.
PV: Với số lượng lớn như vậy, bộ sưu tập này được anh chuẩn bị trong một thời gian khá dài. Vậy, trong quá trình thực hiện anh có gặp những khó khăn gì?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát:Tôi đã có ý tưởng về bộ sưu tập này từ 2 năm trước, cách đây 2 tháng tôi đã bắt đầu có những tác phẩm hoàn thiện đầu tiên, cho đến giờ phút này đã hoàn thiện 500 tác phẩm và dự kiến hoàn thiện bộ sưu tập và triển lãm vào dịp 30/4/2022.
Thực hiện bộ sưu tập khổng lồ này là một thử thách lớn, đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và tài lực, song điều khó khăn nhất của tôi là sáng tác ra được 2022 tác phẩm hổ vẫn hùng dũng mà vẫn gần gũi thân thiện để có thể đi vào đời sống của người Việt. Thay đổi tư duy về hổ, tôi gắn lên mình hồ các câu chuyện tích cực về loài hồ. Đồng thời, tạo cho các tác phẩm nhiều công năng sử dụng.
Trong các tác phẩm thì bộ ghế ngũ hổ khiến tôi mất nhiều thời gian nhất, bộ ghế gồm 5 chiếc với 5 màu sắc vàng- Thổ, đỏ- Hoả, xanh- Mộc, đen- Thuỷ, trắng- Kim Bộ ghế rất kì công do kích thước rất lớn 1,2m x1,5m 60kg /1 chiếc tốn rất nhiều gỗ, rất nặng và phải tạo dáng công phu. Sơn mài khảm trứng cũng mất rất nhiều chi phí. Trị giá hiện hiện hữu của bộ ghế này lên đến hàng trăm triệu. Hình tượng Ngũ Hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh. Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ông là vị lãnh chúa cao nhất, thâu tóm mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.
PV:Những bức tượng hổ do anh Phát tạo ra không chỉ để trang trí mà còn có thể sử dụng làm quà tặng nhân dịp Tết đến, xuân về. Họa sĩ đã đem đến cho từng tác phẩm hơi thở của cuộc sống như thế nào để mỗi tác phẩm đều tỏa sáng, đem lại giá trị tinh thần to lớn cho nhiều người như vậy?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình ứng dụng vào cuộc sống, kết hợp các thế mạnh của hội hoạ trong lĩnh vực tạo hình, Giữa một cuộc sống công nghiệp hoá mọi thứ đều chạy theo lợi nhuận và khuôn mẫu, tôi muốn tôn vinh khả sáng tạo khi quyết tâm sáng tạo 2022 mẫu hổ độc bản, không con nào giống con nào. Với giá trị văn hoá mang tính chất vùng miền thì thể thiện tượng hổ trên gỗ mít mang đến một giá trị truyền thống. Ngoài ra chất liệu đá ong được đưa vào tác phẩm là một sự đột phá mang nhiều mỹ cảm.
Các câu chuyện, ca dao, văn hoá dân gian được đưa vào bộ sưu tập hổ lần này. Các hình tượng kiến trúc mang đặc trưng Việt được sử dụng rất nhiều nhằm nâng cao tính tự hào dân tộc. Mong muốn thay đổi khái niệm về hổ là sự hung tợn, tôi đã tạo hình rất gần gũi đáng yêu và mang nhiều giá trị công năng sử dụng. Khi bức tượng là chiếc hộp, khi bức tượng lại là chiếc lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế.... với công năng thân thiện như vậy hình ảnh hổ vẫn mạnh mẽ nhưng lại gần gũi thân thuộc như tiểu hổ với người dùng.
PV:Thông qua bộ sưu tập 2022 tác phẩm hổ độc bản anh có những chia sẻ, ước vọng gì cho một năm Nhâm Dần?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát:Thông qua bộ sưu tập lần này tôi muốn gửi gắm: “Mong muốn mọi người đón nhận hình tượng hồ thân thiện hơn, hổ rất nhiều đặc tính ưu Việt: mạnh mẽ, độc lập, quân tử, biết ơn... Tôn vinh sức sáng tạo, sức lao động nghề thủ công truyền thống: điêu khắc, sơn mài.. điều này là vô cùng cần thiết cần phát huy khi cuộc sống hiện đại đang khiến mọi thứ trở nên dập khuôn, khô khan và chạy theo lợi nhuận. Các sản phẩm cần gia tăng giá trị nâng tầm trở thành tác phẩm. Giá trị văn hoá Việt cần được đưa vào mọi vật phẩm làm ra, từ hình ảnh hiện hữu là các hoa văn, hình ảnh người việt. Các câu chuyện, tích chuyện của người Việt cần được sử dụng nhiều hơn nữa để người Việt biết/hiểu và yêu nước Việt hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn anh./.