Đây là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Sự độc đáo của lễ hội này là những chiếc ghe Ngo mang màu sắc, hoa văn sặc sỡ, dài khoảng 30m, chở gần 60 người thi đua với nhau. Ghe ngo cũng là sản vật văn hóa, tinh thần, có giá trị to lớn đối với đồng bào Khmer và được cất giữ ở ngôi chùa.
Ghe Ngo tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để bơi đua với nhau tại mỗi dịp lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo, nhằm mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Anh Danh Vũ, là thế hệ thứ 4 trong một gia đình nổi tiếng với nghề đóng ghe Ngo ở khu vực ĐBSCL. Những năm gần đây, anh đã đóng hàng chục ghe Ngo cho các chùa và giành nhiều giải cao. Anh Danh Vũ, cho biết, để làm ra chiếc ghe Ngo mới là cả một quá trình kỳ công của người thợ.
Ngày xưa, Tuk Ngô của đồng bào Khmer là thuyền độc mộc, được làm bằng một thân cây sao nguyên vẹn. Nhưng ngày nay, những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa nên ghe Ngo được đóng bằng gỗ cây sao được cưa thành từng miếng ván. Bà con Khmer chọn gỗ sao để đóng ghe Ngo, bởi loại gỗ này có tính đàn hồi tốt, chịu được nước và giúp chiếc ghe Ngo lướt sóng nhanh. Gỗ sao được chọn đóng ghe Ngo phải là cây có trên 100 năm tuổi: "Thời của ông nội, rồi cha của anh thì chọn gỗ sao. Tới thời anh thì cải tiến và thí nghiệm thử ngoài gỗ sao có thử chẳng hạn như thao lao và nhiều gỗ khác nếu so lại thì không bằng gỗ sao. Gỗ sao đưa xuống nước thì hạp, thứ nhất là không bị thấm nước. Thứ hai nữa là độ đàn hồi gỗ sao nó tốt. Tới thời điểm này thì theo anh kinh nghiệm, không gỗ nào bằng gỗ sao hết. Nhưng gỗ sao đúng và tốt nhất phải là sao Việt Nam, sau đó là sao của Campuchia và của Lào".
Sư cả trụ trì, đại diện Ban Quản trị chùa và thợ là những người chọn gỗ cây sao để đóng ghe Ngo. Khi mang về, gỗ phải được phơi bởi ánh nắng mặt trời, sau đó là phơi không khí và giónhư vậy, ghe Ngo mới đạt chất lượng và sử dụng được bền lâu hơn. Khi gỗ đã đủ độ khô để đóng chiếc ghe, sư cả trong chùa là người chọn ngày khởi công đóng ghe. Đối với đồng bào Khmer, ghe Ngo có tâm linh, vì vậy, tại lễ khởi công, đồng bào Khmer gồm có sư sãi, các vị Achar, Ban quản trị chùa, phật tử, thợ đóng ghe sẽ thực hiện nghi thức cúng bài mời gọi các vị “thần linh” về phù hộ ghe Ngo.
Achar Trần Văn Hải, ở Phương 10, thành phố Sóc Trăng cho biết: "Cây gỗ này trước đây thì ở trong rừng, bây giờ chúng ta mang về để đóng ghe Ngo, thì chúng ta sẽ xin thần bảo vệ cây rừng, bây giờ gỗ này mang về đây để đóng ghe Ngo xin thần cho nhiều sức mạnh và ghe Ngo giành thắng lợi".
Đóng ghe Ngo, đòi hỏi người thợ phải thông thạo về chọn loại gỗ, tỉ mỉ, khéo tay và thạo về kỹ thuật. Bên cạnh vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của ghe Ngo, còn phải đảm bảo lướt thật nhanh trên mặt sóng, vì vậy, đi tham gia hội đua mới giành được thắng lợi.
Nghệ nhân Danh Vũ chia sẻ, đồng bào Khmer dùng 5 miếng gỗ sao dài khoảng 15m ghép lại làm thân ghe. Còn đầu ghe và đuôi ghe thì sử dụng cây nguyên khối được đục đẽo cho nhọn và cong. Sau khi các mảnh gỗ được nối ghép với nhau tạo thành chiếc ghe Ngo hoàn chỉnh, người thợ sẽ cân chỉnh lần cuối, sao đó là xử lý các khe hở được đấu nối giữa các miếng ván với nhau để ghe không bị nước thấm vào.
Như đã nói trên, đồng bào Khmer tin rằng, ghe Ngo có tâm linh, có thần linh phù hộ, nên đặc biệt xem trọng đến nghi thức lễ cúng bài. Cũng như lễ khởi công, sư cả trụ trì ngôi chùa sẽ chọn ngày làm lễ ghép đầu ghe. Lần này, Achar và phật tử làm lễ bái tế cầu phép sức mạnh ảnh hưởng từ các vị thần linh phù hộ ghe Ngo… Achar Trần Văn Hải cho biết: "Hôm nay là ngày tốt, giờ tốt, chúng tôi xin làm lễ nối đầu ghe Ngo. Hôm nay, chúng tôi có chuẩn bị lễ vật cúng bái và xin gửi đến các vị thần linh sử tri ân, và xin mời các vị đến nhận lễ và phù hộ cho chúng tôi nối đầu ghe Ngo được tốt lành, nhiều sức khỏe và giành nhiều thắng lợi cho bổn chùa chúng tôi".
Chiếc ghe Ngo được hoàn thành sẽ được trang trí các hoa văn truyền thống của dân tộc Khmer. Tùy ý thích của sư cả trụ trì trong chùa mà chọn vẽ hoa văn cùng hình các con vật, như rồng, cọp, voi, cá… hay hoa lá cách điệu cho ghe Ngo khác nhau. Ở hai bên mũi ghe vẽ hình biểu tượng của ghe và ghi tên chùa.
Ngày xưa, Tuk Ngô của đồng bào Khmer là một chiếc thuyền độc mộc nên phải mất cả năm trời đục đẽo để hoàn thành. Hiện nay, việc đóng ghe được thay bằng những miếng ván từ cây gỗ, dụng cụ đóng ghe cũng hiện đại, nên thời gian được rút ngắn hơn. Anh Danh Vũ, cho biết, mỗi chiếc ghe Ngo, anh mất khoảng 1 tháng rưỡi để hoàn thành. Mỗi năm, tính cạnh tranh thứ hạng của ghe Ngo càng mạnh, vì vậy, người thợ cũng phải không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe Ngo, để làm sao chiếc ghe Ngo lướt nhanh nhất có thể. Đây cũng là lý do, những năm trở lại đây, ghe Ngo được đóng dài hơn với chiều dài từ 30-31m, sức chứa từ 55-60 người, thay vì chỉ từ 23-25m như trước đây
"Quan trọng nhất là cái khâu mình ráp lườn, nếu ráp đúng, ma sát không cản nhiều thì ghe sẽ tốc độ cao. Muốn ghe có chất lượng phải chọn đúng gỗ sao, hai nửa ổng thợ ráp, 3 là buộc cần câu và thứ tư là nhân lực con người quyết định", anh Danh Vũ chia sẻ.
Ghe Ngo bao giờ cũng được bảo quản trong khuôn viên chùa. Nhà ghe là nơi thiêng liêng, ngày xưa phụ nữ không được đến gần, đây là điều cấm kỵ.
Không khí ở lễ hội dua ghe Ngo…
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào khmer diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc sẽ được chọn để tập dợt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo trước khi đi tham dự lễ hội. Với đồng bào Khmer, ghe Ngo có giá trị to lớn về văn hóa tín ngưỡng, là đại diện của phum sóc, bổn chùa, vì vậy, được chọn tham gia đua ghe tại lễ hội là niềm tự hào lớn đối với mỗi phật tử.
Những năm gần đây, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của bà con phật tử Khmer được cải thiện, lễ hội đua ghe Ngo được Đảng, Nhà nước nâng tầm thành cấp khu vực, cấp quốc gia, các ghe ngo không còn đơn thuần chỉ là tham gia ngày hội nữa, mà có thêm tính cạnh tranh về mặt thứ hạng. Lễ hội diễn ra là những trận tranh tài quyết liệt. Những chiếc ghe Ngo với màu sắc sặc sỡ và hoa văn bắt mắt, cùng sự hò reo cổ vũ của các phật tử mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau, đó là sự vui sướng, phấn khởi cho người giành chiến thắng và có phần hụt hẫn cho ghe Ngo thi đấu không đạt thành tích như mong đợi. Nhưng quan trọng hơn cả, với đồng bào Khmer vẫn là bảo tồn giá trị, văn hóa lễ hội truyền thống, độc đáo của dân tộc mình/.