NSND – Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định “nhà sản xuất tính toán rất kỹ” khi không gửi “Cua lại vợ bầu” và “Hai Phượng” tranh giải Cánh diều 2018.

Không trao giải kịch bản đối với những phim “Việt hóa”

Giải Cánh diều 2018 nhận được 142 phim, hai công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh tham gia dự giải. Trong số loạt phim dự giải có 14 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học và 26 phim ngắn. Đối với phim truyện điện ảnh dự thi năm nay, nhiều bộ phim đạt doanh thu tốt trong dịp Tết Nguyên đán 2019 cũng có cơ hội được tranh giải như: "Trạng Quỳnh", "Chàng vợ của em", "Vu quy đại náo".

vov__3__wcay.jpg
Buổi họp báo Cánh diều 2018 đã diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người hụt hẫng hơn cả chính là trong danh sách đề cử giải Cánh diều năm nay lại thiếu vắng "Cua lại vợ bầu" và "Hai Phượng" - hai bộ phim đã "làm mưa làm gió" trên màn ảnh rộng vào đầu năm nay. Đây cũng là hai tác phẩm đang đứng trong top doanh thu kỷ lục của điện ảnh Việt Nam. Riêng "Hai Phượng" với doanh thu hơn 200 tỷ đồng.

Lý giải tại sao hai bộ phim "Cua lại vợ bầu" và " Hai Phượng" không được điểm tên trong danh sách đề cử giải năm nay, NSND Lê Hồng Chương, phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc các nhà sản xuất gửi phim tham gia hay không là quyết định từ phía họ. Vấn đề này đã được nhà sản xuất phim tính toán rất kỹ, có thể họ cho rằng, phim này hay phim kia dễ "ăn giải" ở các liên hoan phim khác hơn là tranh giải Cánh diều, cho nên họ đã gửi phim của mình đến tham dự các liên hoan phim khác mà không phải là Cánh diều.

 NSND Lê Hồng Chương, phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

"Tôi cho rằng, đó là chính sách của nhà sản xuất, chúng ta nên tôn trọng quyết định của họ thay vì áp đặt suy nghĩ của mình vào họ. Không nhất thiết tất cả các phim đều phải tham gia Cánh diều, mỗi người đều có sự lựa chọn của riêng mình. Còn chúng tôi, đơn vị tổ chức chỉ có nhiệm vụ vận động, tiếp nhận các tác phẩm mà không giới hạn, hạn chế, quy định gì cả miễn sao phim đó được quyền phát hành cấp phép" – NSND Lê Hồng Chương chia sẻ và cho biết thêm.

“Ở vai trò của nhà sản xuất, họ đã tính toán rất kỹ. Ví dụ như phim của họ đang công chiếu và rất thu hút khách nhưng nếu tham dự giải Cánh diều, chẳng may không được giải gì thì lại không hay cho lắm".

Cùng với đó, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho biết thêm, ban tổ chức sẽ không trao giải biên kịch cho những kịch bản làm lại từ kịch bản phim nước ngoài ở thể loại phim truyện. Tuy nhiên, với xu hướng ngày càng có nhiều nhà sản xuất “Việt hóa” những bộ phim nước ngoài thì trong những lần trao giải Cánh diều sau này, ban tổ chức sẽ cân nhắc để có giải thưởng riêng cho những kịch bản chuyển thể từ kịch bản, phim nước ngoài thành công.

Nói rõ hơn về vấn đề này, NSND - Đạo diễn Đặng Xuân Hải cho biết, chỉ có 1, 2 người tham gia vào khâu viết kịch bản, cho nên khi "Việt hóa" thì cũng chỉ cần 1,2 thành viên đó thôi. Nhưng để làm sao có được một bộ phim hay lại là câu chuyện khác, có liên quan đến cả đạo diễn, dàn diễn viên cả chính lẫn phụ, hóa trang, phục trang, họa sĩ dựng cảnh và các thứ khác nữa.

NSND - Đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

"Cho nên, tôi cho rằng, việc không trao giải biên kịch cho những kịch bản làm lại từ kịch bản phim nước ngoài không đồng nghĩa với việc khen hay chê bộ phim. Công phu cả một đội ngũ nghệ sĩ như thế mà mình không khen thì e rằng không công bằng cho lắm. Một bộ phim thành công nhờ sự góp sức của cả một tập thể, ê kíp và nhiều yếu tố, cớ gì mình lại không khen.

Chẳng lẽ một bộ phim rất hay nhưng chỉ vì phần kịch bản "Việt hóa" mà mình gạt bỏ khỏi danh sách đề cử, tranh giải thì không thể được. Từ khâu kịch bản trên giấy đến các bước thực tế để hoàn thành một bộ phim hay đòi hỏi rất nhiều thứ. Chính vì vậy, dù không trao giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc đối với các phim "Việt hóa", song Ban tổ chức đã quyết định sẽ trao giải cá nhân cho những phim này" - NSND - Đạo diễn Đặng Xuân Hải bày tỏ.

Chưa đổi mới về tiêu chí chấm giải

Danh sách giám khảo chấm phim truyện điện ảnh năm nay gồm: PGS.TS Trần Luân Kim, NSND Trà Giang, biên kịch Nguyễn Thị Bích Thủy, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, đạo diễn Nguyễn Đức Việt, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, họa sĩ Nguyễn Trung Phan, nhạc sĩ Phó Đức Phương và chuyên gia âm thanh Nguyễn Thọ Hà.

Ban tổ chức đã thành lập hội đồng giám khảo gồm sáu ban để chọn ra những bộ phim đạt giải “Cánh diều vàng”, “Cánh diều bạc”, và những phim nhận Bằng khen, cùng với những giải cá nhân như: biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên nam chính, diễn viên nữ chính…

Tuy nhiên, đến lúc này, tiêu chí để chấm giải vẫn là vấn đề “nhức nhối” khi chưa có sự đổi mới qua từng năm. Theo NSND – Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Hội Điện ảnh Việt Nam, tiêu chí chấm giải năm nay vẫn như mọi năm là "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".

Ông Đặng Xuân Hải cho biết, “Đó là điều tiên quyết và phương hướng để chúng tôi đánh giá và chấm giải một bộ phim. Chúng tôi sẽ xem từng phim để rồi tìm ra sự độc đáo, ấn tượng trong mỗi phim. Phim đạt giải chắc chắn phải có những nét độc đáo riêng.

Năm nay cứ xét theo tiêu chí như mọi năm đã, sang năm nếu vào rơi vào những ngày kỷ niệm, ngày lễ, chúng tôi mới tính đến chuyện thay đổi tiêu chí. Năm nay trong tiêu chí chấm giải, chúng ta vẫn chú trọng đến tính sáng tạo, đề cao sự tìm tòi, tính nhân văn, tính dân tộc trong từng bộ phim”./.