Sáng 12/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh thuộc Viện Phim Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Nhà sản xuất phim – Hiện trạng và xu thế phát triển”. Đông đảo các nhà quản lý, nhà sản xuất và phát hành phim đã tham dự.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, điện ảnh Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể: số lượng phim tăng, rạp tăng và những nhà sản xuất cũng tăng. Tuy nhiên, theo phân tích của các đại biểu để có nền điện ảnh phát triển theo tiêu chuẩn công nghiệp điện ảnh, Việt Nam phải hướng đến một nền điện ảnh chuyên nghiệp, đa dạng và chất lượng cao và để làm được điều này vai trò của nhà sản xuất phim là rất lớn. Chúng ta hiện đang nhầm lẫn vai trò của nhà sản xuất phim với các vai trò khác.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, giảng viên trường Đại học Sân Khấu – Điện Ảnh thành phố Hồ Chí Minh nói: “Nhà sản xuất phim là một nghề, nhưng ở nước ta nhà sản xuất phim lại lẫn lộn trong mấy vai trò, vai trò của nhà quản lý đơn thuần tức là nhà sản xuất phim chỉ giữ tiền và quản lý nhân sự. Còn một số nhà sản xuất lại là những nghệ sĩ đưa lên để quản lý các doanh nghiệp hoạt động theo vốn nhà nước."
Để xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền công nghiệp điện ảnh thực thụ, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhà sản xuất phim. Ngoài ra cần sự phối hợp của các hãng phim tư nhân với các hãng phim nhà nước trong việc quảng bá và phát hành phim không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà cần phải có sự giao thoa với các nước để thúc đẩy nền điện ảnh trong nước phát triển./.