Sài Gòn lúc mưa ... lúc nắng

Sài Gòn hai mùa mưa nắng, có những ngày nắng ngập tràn hạnh phúc nhưng không phải lúc nào cũng nắng đẹp. Và... cũng có những lúc ướt át như những ngày mưa... Nhưng cứ yêu đi, dù mưa hay nắng.

1ab8cbc4f910375e9ad2bba49971759c_frcw.jpeg

"Sài Gòn, anh yêu em" là thế, câu chuyện về 5 tuyến nhân vật nhằm làm nổi bật lên tình cảm lớn lao dành cho Sài Gòn yêu dấu. Đó là chuyện tình của Yên Khuê - phát thanh viên Sài Gòn và chồng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (vợ chồng ca sỹ Đoan Trang thủ vai), đôi tình nhân kẻ Nam người Bắc - Việt Phương - Thiên Kim từng chia tay rồi bất chợt gặp lại nhau sau 5 năm trong một ngày Sài Gòn nắng đẹp (Huy Khánh - Maya đóng), hai chàng trai đồng tính Đức Nguyễn và Duy Khánh (Brian Trần - Cường Đinh) vượt lên trên mọi định kiến để trao nhau tình cảm lứa đôi, cặp đôi nghệ sỹ già ông Sáu - bà Ba tri kỷ với niềm đam mê cải lương vô bờ bến (Thanh Nam - Ngọc Giàu) và hai mẹ con nhiều nỗi niềm sống nương tựa cùng nhau Mỹ Tuyền - Mỹ Mỹ (Phi Phụng - Huỳnh Lập).

"Sài Gòn, anh yêu em" không chỉ đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà trong đó lại chứa chan cả tình mẫu tử, phụ tử, tình yêu đồng giới, tình yêu sân khấu, cụ thể là cải lương. Các mối quan hệ đó gắn kết, đan xen với nhau một cách thú vị và tạo ra một bộ phim đáng xem dành cho những ai yêu mến vùng đất thân thương này.

Không quảng cáo rầm rộ, khoản đầu tư không lớn nhưng "Sài Gòn, anh yêu em" thực sự khiến người ta phải "ngấm" bởi cách kể chuyện đa tuyến, nhẹ nhàng nhưng lại khá chặt chẽ và ẩn đằng sau đó là những đoạn cao trào của cảm xúc, đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác và rồi cuối cùng phải rơi nước mắt vì xúc động.

Cũng giống như Sài Gòn vậy, nếu trong những ngày nắng đẹp, đó là một thành phố trẻ trung, sôi động với không gian mở hiện đại thì trong những ngày mưa, Sài Gòn lại rất lắng đọng với những cơn mưa bất chợt, vô tình khiến mọi thứ trở nên trầm lặng, phố xá thênh thang bỗng chốc trở thành "dòng sông uốn quanh" đượm buồn man mác.

Đoan Trang và chồng Tây diễn xuất trong "Sài Gòn, anh yêu em".

Tuy nhiên, điều khiến người xem phải chý ý hơn cả chính là sự đối lập trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Đó là khoảnh khắc Yên Khuê và chồng không tìm được tiếng nói chung, giữa họ là khoảng cách vô hình khiến hai con người khó có thể tìm thấy nhau giữa Sài Gòn rộng lớn, "tưởng xa mà lại rất gần". Họ đứng ở hai giá sách đối diện nhưng không nhìn thấy nhau, họ bước những bước chân chậm rãi trên cùng một con đường, nhưng người lang thang phía dưới, ngước ánh mắt tìm bạn đời thân thương, còn kẻ lại thẫn thờ bên trên với gương mặt buồn sâu thẳm.

Chưa dừng lại ở đó, sự đối nghịch trước và sau tấm màn sân khấu đoạn cuối của phim thực sự đã lên đến đỉnh điểm của cảm xúc. Khi vở diễn cải lương kết thúc, khán giả đứng dậy vỗ tay trong tiếng cười nói xôn xao thì đằng sau những bức rèm kia là sự thật cay đắng ít người biết, ông Sáu ngã xuống đất nằm bất động và trút hơi thở cuối cùng trước những tiếng khóc nghẹn ngào nhưng thầm lặng.

Ngọt ngào hương vị "tình yêu"

Có lẽ, trong 5 tuyến nhân vật thì cặp đôi nghệ sỹ cải lương già do NSƯT Thanh Nam và NSND Ngọc Giàu đóng thực sự đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Hai người sống ở đình, trông coi nhang khói, giữ gìn bộ môn sân khấu cải lương và làm nhang để mưu sinh. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng họ dù không phải vợ chồng nhưng sống với nhau, yêu thương nhau như tri kỷ.

NSƯT Thanh Nam và NSND Ngọc Giàu đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi nếu như điều bất ngờ không xảy ra, khi cặp tình già ông Sáu bà Ba được mời hát cải lương trong một chương trình. Vì niềm đam mê của bản thân, nhưng lớn lao hơn cả là ước nguyện của người tri kỷ với mong muốn một lần được lên sân khấu mà chưa có cơ hội thực hiện. Vì điều đó, cho dù mắc bệnh, sức khỏe yếu nhưng ông Sáu vẫn cố gượng dậy để hát đến khi chương trình kết thúc. Khi bức rèm khép lại cũng là lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Sự hy sinh lớn lao đó đã lấy đi nước mắt của bao người, làm người ta càng thêm trân quý những giây phút quý giá khi đang còn ở bên nhau và trân trọng nghệ thuật truyền thống này. Dù thời thế có thay đổi nhưng Sài Gòn vẫn là "cái nôi" của cải lương và lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

Nếu như cặp tình già khiến người ta phải rơi nước mắt thì tình yêu đồng giới của Đức Nguyễn - Duy Khánh cũng được đánh giá cao dù câu chuyện chỉ được xây dựng một cách nhẹ nhàng, kiểu chỉ mới "say nắng", chưa phải tình yêu mãnh liệt.

Huy Khánh và Maya

Còn câu chuyện tình Việt Phương - Thiên Kim do Huy Khánh và Maya đóng lại khác, dù nhận được lời khen cho hình ảnh của một anh chàng "soái ca" đẹp trai, giàu có, ga lăng và cô nàng xinh đẹp, gợi cảm, thích tự do nhưng sợ cô đơn và sợ sự ràng buộc của hôn nhân nhưng lối diễn xuất cũng như câu chuyện tình của họ khiến người ta hơi "ngợp" và cho rằng "không được thật" cho lắm vì quá ngôn tình, chuyện chỉ có trên phim mà thôi. Điều này cũng chính là "điểm trừ" của "Sài Gòn, anh yêu em".

Cặp đôi Đoan Trang và người chồng ngoại quốc đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, bên cạnh những phút ngọt ngào, yêu đương thì những điều day dứt giữa việc ra đi theo công việc của chồng hay ở lại mảnh đất này đã làm họ mâu thuẫn. Thế nhưng, trên thực tế, người phụ nữ nếu gặp tình huống này chắc chắn sẽ chẳng "lên gân" đến mức bỏ đi như nhân vật Yên Khuê của Đoan Trang trong phim mà họ sẽ có cách giải quyết khác, không bị "kịch hóa" như vậy. Không những thế, lối diễn xuất của Đoan Trang có phần không tự nhiên, đôi khi bị "đơ" và biểu hiện cảm xúc điệu đà thái quá.

Phi Phụng và Huỳnh Lập - Cặp đôi đáng yêu nhất trong phim

Cuối cùng là cặp mẹ con do Phi Phụng và Huỳnh Lập đảm nhận, đại diện cho tình mẫu tử thiêng liêng. Dù luôn thể hiện bản tính ồn ào, vui vẻ nhưng thực chất, đó là một người mẹ hết lòng yêu thương con, sẵn sàng chấp nhận giới tính thật của con mình mà không một lời ca thán. Điểm nhấn của cặp đôi này chính là việc thể hiện rõ nét nhất sự đối lập trong tính cách. Bên cạnh khoảnh khắc hài hước, mang lại tiếng cười thì góc khuất ẩn sau đó trong hai nhân vật này lại là những con người nội tâm và đầy cảm xúc.

"Sài Gòn, anh yêu em" dù vẫn còn nhiều "hạt sạn" nhưng thông qua bộ phim, người ta có thể tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và đặc biệt, Sài Gòn là nơi đáng để sống...