Bộ phim Vợ ba đang được bàn tán xung quanh vấn đề: Có nên cho trẻ 13 tuổi đóng cảnh nóng. Sau bài “Phim nghệ thuật chết tức tưởi hay phim kém nhân văn”, chúng tôi đăng tiếp bài chị Nguyễn Thu Quỳnh, nghiên cứu viên, biên tập viên Tạp chí Tia sáng, từng nghiên cứu Nhân học tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam bình luận bộ phim dưới góc độ nhân học và văn hóa.

vu_long_tra_my_arxq_jkdh.jpg
Lê Vũ Long và Trà My trong một cảnh nóng
Báo The New York Times điểm phim Vợ ba một cách trung tính nhưng thể hiện sự quan tâm về khung cảnh phim được xây dựng trong bối cảnh văn hóa của người Việt thế kỷ 19, với những phong tục tập quán bó buộc phụ nữ. Hollywood Reporter, Los Angeles Times cũng viết về nhịp sống tù đọng, không gian mang nặng tính phụ quyền đè nén những phận người yếu ớt, được ẩn dụ bởi kiếp tằm tơ. 
Chọn tằm cũng đúng thôi, nó gắn liền với không gian văn hóa Bắc bộ, nơi cả đời người phụ nữ nông thôn quanh quẩn bên ruộng đồng, canh cửi. Nó khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh những con người bé mọn không có tiếng nói. “Thương thay thân phận con tằm/ Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ”; “Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”. 
Chọn cuộc sống thường ngày của những người phụ nữ để nói về nỗi buồn, sợ hãi ngấm ngầm trong không gian tưởng như chỉ thuộc về phụ nữ nhưng lại bị phủ bóng bởi quyền lực nam là điều tinh tế của đạo diễn. Không phải cứ đao to búa lớn, đánh đập nhau mới là bạo hành trên cơ sở giới. Việc người phụ nữ tảo hôn, chấp nhận đa thê như một điều tất yếu, xoay vần cả cuộc đời để làm hài lòng người đàn ông, cũng cho thấy số phận cay đắng, uất hận, nhưng không dám cất lời mà chịu đựng thì cũng là bạo hành. 
Lấy nền tảng văn hóa để kể chuyện, thể hiện sự mâu thuẫn, chống lại lễ giáo, thứ quyền lực vô hình của một cấu trúc xã hội trọng nam, nhưng đáng tiếc đạo diễn chưa làm được điều đó mà lại  nhầm lẫn, và sử dụng quá nhiều nguyên liệu thuộc về các không gian, bối cảnh văn hóa khác nhau để biểu đạt. Thậm chí một số hình ảnh có tính biểu tượng, nghi lễ lại không rõ xuất xứ, nhiều khả năng là do “tưởng tượng” của đạo diễn. 
Chẳng hạn, hành động mang tính nghi lễ trong đêm tân hôn: Người vợ thả lòng đỏ trứng gà từ cổ xuống rốn và người chồng húp cái trứng đó không biết có xuất xứ từ văn hóa nào, chứ người Kinh không có nghi lễ này. Trong phim, cái này được nâng lên thành nghi lễ chứ không chỉ là hành động mang tính nhục dục bộc phát của hai vợ chồng. Bởi vì nó có tính lặp lại, theo kiểu nghi lễ vòng đời giữa các thế hệ trong phim, từ húp trứng trong đêm tân hôn của Hùng và Mây (cô bé tảo hôn, nữ chính) cho đến phần trứng chuẩn bị sẵn cho đêm tân hôn của Sơn (con trai ông Hùng và vợ cả), cũng mới chỉ là bé gái chưa thành niên. 
Nghi lễ húp trứng đêm tân hôn trong Vợ ba

Xem cảnh này tôi cứ thấy phản cảm về sự tưởng tượng của đạo diễn thay vì một yếu tố văn hóa có thực. Trong đám cưới, có những hành động có tính biểu tượng khác của văn hóa Việt mà đạo diễn có thể sử dụng để thể hiện sự bất bình đẳng nam nữ, như người vợ trải chiếu và lạy chồng chẳng hạn. 

Rồi hình ảnh sau đêm tân hôn, Mây mặc đồ trắng, đứng dưới tấm khăn lót màu trắng với dấu máu trinh tiết treo lên cành liễu, trước mặt người vợ cả và bà vú, cúi xuống đầy chịu đựng, cũng không hợp lý, xa lạ.
Khung cảnh phim đậm chất đồng bằng Bắc bộ, nhưng các nhân vật nữ toàn… tắm suối chảy róc rách (phải là giếng làng, là ao, là sông mới đúng…); hay lá ngón - thứ lá chỉ mọc ở vùng núi cao, thường được một số tộc người thiểu số dùng để làm thuốc độc, rất xa lạ với văn hóa người Kinh. Trong đám tang, quan tài được ngựa kéo và chuyển lên thuyền trôi lênh đênh cũng không thuộc về nền văn hóa này. Có lẽ đạo diễn có ý gắn cuộc đời người con gái với sông nước. Những bước ngoặt của cuộc đời Mây đều gắn với nước - nước là nguồn gốc sự sống, là phương tiện chuyển tải sự sống, nước tinh khiết, nước nữ tính và đúng là nước sinh ra nền văn hóa tiểu nông này. Nhưng rất tiếc, hình ảnh đám ma, nghi lễ quan trọng bậc nhất trong đời người được thể hiện không đúng. Người Kinh đào sâu chôn chặt, muốn gắn với nước thì trong đám ma có nghi lễ chèo thuyền đấy!
Có thể nói  đạo diễn đã mắc lỗi xa lạ hóa, huyền bí hóa truyền thống văn hóa để cố làm nền cho những xúc cảm của nhân vật, làm nổi bật nỗi bi thương không nói thành lời. Hoặc có thể cô ấy không có được cố vấn văn hóa đủ tốt. Hoặc cũng có thể đây là do cô ấy cố ý sắp xếp một khung cảnh giả tưởng, và “trộn” nhiều yếu tố văn hóa khác nhau vào làm nguyên liệu để nấu. Nhưng cách “nấu” exotic này chỉ hấp dẫn, thuyết phục được khán giả Tây, nơi họ không nắm vững, không đủ hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt. 
Chính vì chưa hiểu rõ, cho nên mới có những cảnh quay tưởng chừng như đã đạt tới sự phân biệt giới rõ ràng thì lại… chưa đúng. Cảnh cả nhà ăn cơm tối, trong khi Sơn - con người vợ cả sẽ được cho một con ngựa, còn bé gái con vợ hai cũng đòi ngựa lại bị mẹ ra hiệu “im đi” bằng ánh mắt. Nhưng sự tinh tế này …chưa đủ, bởi ở thế kỷ 19, những gia đình giàu có đều cho phụ nữ, trẻ nhỏ ăn riêng, thậm chí ăn dưới bếp, chỉ đàn ông ăn với nhau, chứ không có tam đại trong cùng một mâm như thế. 
Về việc diễn viên 13 tuổi đóng nữ chính. Cách tốt nhất là sử dụng diễn viên 18 tuổi, hoặc đóng thế. Bởi có quá nhiều cảnh nhạy cảm. Các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, giới nghệ thuật và cơ quan quản lý văn hóa cần thảo luận, đưa ra được các quy định, hướng dẫn cho vấn đề này: khi nào được đóng, khi nào phải đóng thế, yêu cầu dùng các kỹ thuật che chắn, dụng cụ giả ra sao, cắt cúp thế nào…/.
Trong mọi trường hợp, kể cả khi có đủ kỹ thuật bảo vệ, có một hội đồng đạo đức để đánh giá, việc đứa trẻ tham gia một phim nhạy cảm vẫn là điều khiến cho hình ảnh của bé bị đánh giá, mổ xẻ theo nhiều cách. Nếu là cha mẹ, tôi sẽ nói không!