Cho dù chỉ là những hạng mục bên lề như “Góc phim ngắn”, nhưng khi phim được chọn dự LHP Cannes (Pháp), thì đó là cơ hội để  tác giả tiến vào thế giới phim nghệ thuật có đẳng cấp cao. Và thật tiếc khi khán giả ở Cannes 2014 nếu quan tâm tới “Tôi ba mươi” (ảnh) của đạo diễn trẻ Minh Đức (VN) sẽ không được xem trên màn ảnh lớn, do phút cuối đạo diễn vắng mặt.

Cannes, xa và gần

Năm 1993, “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng được nhận giải Camera vàng cho "Quay phim xuất sắc nhất" tại Cannes. Dù phim mang “quốc tịch Pháp”, nhưng của một đạo diễn Việt kiều, đã mở ra nhiều hy vọng cho các nhà làm phim VN. Năm 2001, khi “Cuốc xe đêm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải 3 ở hạng mục "Phim ngắn" - một giải bên lề của Cannes, thì giấc mơ xa đã như gần. Phải đến Cannes 2010, điện ảnh VN mới lại có mặt với “Bi đừng sợ” – đạo diễn Phan Đăng Di, đoạt 2 giải ở hạng mục Tuần phê bình quốc tế, dành cho kịch bản xuất sắc nhất. Từ đó đến Cannes 2014, điện ảnh VN vẫn chỉ “âm thầm” tham dự ở “Góc phim ngắn".

3.jpg
Tôi 30 có nhiều cảnh quay đẹp và diễn tả tốt tâm trạng giằng xé của người con gái bước vào tuổi 30 với bao biến cố và những cơn sóng ngầm

Cannes 2014, Việt Nam có “Tôi 30” của đạo diễn trẻ Hoàng Trần Minh Đức được chọn. Ngoài ra, điện ảnh Việt với các đạo diễn trẻ như Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di... đi tìm cơ hội ở Cannes - chủ yếu là trình dự án để xin tiền làm phim ở hạng mục: Nhà sản xuất phim thế giới.

Đến Cannes ở những hạng mục khá khiêm tốn, nhưng trong cái nhìn đa dạng văn hóa và khá ưu ái cho điện ảnh các quốc gia đang phát triển, thì Cannes là sự lựa chọn khôn ngoan để các đạo diễn phim VN có thể mơ xa - bắt đầu từ “Góc phim ngắn”. Không chỉ với một số đạo diễn phim VN mà nhiều đạo diễn phim châu Á và các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển theo đuổi dòng phim tác giả khá kiên trì với Cannes và bắt đầu từ các phim ngắn như thế. Tiếc thay, đạo diễn Minh Đức đã sang Bangkok (Thái Lan) rồi từ đó sẽ sang Cannes (Pháp), nhưng phút cuối đã vắng mặt chưa biết vì lý do gì.

Được và mất

Các phim trình chiếu ở “Góc phim ngắn” tại Cannes không phải là những phim tranh giải ngoài việc là những phim lần đầu được công chiếu tại một LHP quốc tế danh giá như Cannes. Đến được Cannes, dù chỉ là hoạt động bên lề, điều có lợi tuy “vô hình”, nhưng giá trị mang tới đạo diễn thì khó thể “đong, đếm”. Ngoài sự khẳng định khả năng của đạo diễn có sự vượt trội so với các đồng nghiệp khác, thì phim còn được nhiều người xem và quan tâm, thậm chí có thể bán tại hội chợ của LHP. Chưa kể đạo diễn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà làm phim khác và học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp. Từ LHP có thể tìm được các thông tin đầu tư và các dự án phim tiếp theo từ đây nếu như may gặp được các nhà sản xuất cũng như các quỹ dự án cho các phim phù hợp.

Đến Cannes với phim ngắn thì đạo diễn (hay biên kịch) có thể hoàn toàn độc lập, không cần phải “chiều” ý bất kỳ ai, nhưng nếu muốn thử sức ở một phim dài, ngoài tài năng, còn phải trải qua nhiều gian nan, thậm chí có được tiền đầu tư mà không có ý chí thì cũng khó thành công. Nhưng trước khi muốn phim dài “được” ở Cannes, thì cái “tôi” của đạo diễn hay biên kịch cũng phải “mềm dẻo” với nhà sản xuất và ở một mức độ nào đó, khi sửa đổi theo ý họ, thì nội dung đã không còn mang tính văn hóa đặc trưng truyền thống mà mang tính toàn cầu và nó như con dao hai lưỡi: Có thể phim được nước ngoài thích, nhưng ở quốc gia mình thì bị lạnh nhạt. 

Cannes là nơi cho các thể nghiệm nghệ thuật điện ảnh, nên nó thiên về dòng phim nghệ thuật - phim tác giả, ở một khía cạnh nào đó nó “phi chính trị”. Vì thế, nếu đạo diễn phim VN muốn theo đuổi Cannes (hay một số LHP quốc tế danh giá khác như Venice, Toronto, Sundance - phim độc lập, hay Oscar...) thì phải chấp nhận nhiều khó khăn khi tác phẩm hoàn toàn nghệ thuật vị nghệ thuật mà không mang tới sự gần gũi với công chúng Việt.

Nhưng vẫn hy vọng rằng, một ngày không xa, phim VN được lọt vào tranh giải chính thức Cành cọ vàng./.