Có lẽ chưa khi nào mà cư dân mạng Việt rầm rộ vào xem phim truyền hình cổ trang “Võ Tắc Thiên” với cô đào Phạm Băng Băng nóng bỏng, như hiện tại. Thậm chí, hình ảnh trong phim còn tạo nên cơn sốt phần mềm hóa trang giống style diễn viên chính. Nhưng điều quan tâm nhất về mặt quản lý thì đây là một bản phim bị vi phạm bản quyền và bản thân phim cũng chưa được phép phát hành ở Việt Nam. Thế nhưng phiên bản của nó trên Internet lại có đầy đủ phụ đề tiếng Việt.

Xem phim “chùa” dễ như ăn kẹo

Theo Cty đầu tư phát triển công nghệ cao, hiện có hơn 400 website sử dụng video (phim và ca nhạc) ở Việt Nam, với 90% người dùng Internet truy cập. Các website này khai thác nhiều phim và chương trình truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia có nền điện ảnh và truyền hình phát triển.

Hiện tại, bất kể ai sử dụng Internet muốn xem bất kỳ phim gì thuộc quốc gia nào, cũng đều có thể thỏa mãn, kể cả xem những bản phim “full HD” cực nét. Không chỉ vậy, đôi khi chúng có trên Internet đồng thời với cả bản phim chính thức đang được chiếu rạp hoặc đang được phát trên sóng truyền hình. Ngay cả với phim VN, không kể phim truyền hình, mà với phim điện ảnh, những phim đã được số hóa gần như cũng đồng thời có mặt trên mạng với rất nhiều “nhà” mạng cung cấp.

Nhiều website điện tử, mạng xã hội phục vụ khán giả, không chỉ là xem phim trên mạng (online) chất lượng cao, mà còn hỗ trợ xem phim trên điện thoại di động... Nhiều phim được dịch, lồng phụ đề, thậm chí cả thuyết minh.

Trong khi thực tế nhiều tên miền như phim3s hay phimso… là tên miền quốc tế nhưng chưa thông báo sử dụng tại Việt Nam, nhưng lại cho phép tạo tài khoản cá nhân, trao đổi thông tin giữa những tài khoản với nhau, xem phim trực tuyến. Theo khoản 22, điều 3, Nghị định số 72, đây là mạng xã hội và phải xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông. Có trang ghi dưới chân trang rằng được cấp giấy phép mạng xã hội trực tuyến, nhưng kiểm tra lại không phải.

Điều nguy hiểm nhất là những phim thuộc dạng “phân loại” theo độ tuổi cũng gần như không thiếu phim loại nào, với đủ cấp độ và trên mạng, thì việc phân loại chỉ như một cách quảng cáo cho phim câu view.

Bó tay với vi phạm bản quyền?

Thật ra trong luật pháp Việt Nam đã có quy định rõ về vấn đề này, nằm ở khoản 10, điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ quy định về truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng thông tin và phương tiện kỹ thuật số khi chưa được phép của chủ sở hữu. Nhưng theo thông tin của Bộ TTTT thì hiện tại Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) chưa cung cấp phim lên interner cho đơn vị nào ở VN, tuy nhiên, có thể thấy là hầu hết các trang phim đều có chiếu phim Mỹ, cũng như phim của nhiều nước khác.

vtthien_opt_yrpc_jpeg_lbda.jpgMột cảnh trong phim Võ Tắc Thiên.

Theo báo cáo của Thanh tra Cục Báo chí - Xuất bản (Bộ TTTT), hiện nay tình trạng cung cấp phim trên mạng Internet tương đối phức tạp, rất nhiều các website cung cấp phim của nhiều hãng trên thế giới vào lãnh thổ VN, mà hầu hết các trang web này đều đăng ký tên miền quốc tế và đều vi phạm bản quyền.

Chỉ khi nào rơi vào các website VN thì mới có thể “bắt tận tay” để phạt. Ví dụ tháng 4/2013, phía Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đã gửi đơn đến Thanh tra Bộ VHTTDL nêu tên miền của hai website thuộc sự quản lý của VN và yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm điện ảnh của hiệp hội. Kèm theo đó là danh sách dài khoảng 25 trang liệt kê các bộ phim bị vi phạm như: “Điệp viên 007”, “Cuộc đời của Pi”…

Hay trong tháng 6/2014, Cty TNHH phát thanh - truyền hình Hồng Kông (TVB - Trung Quốc) đã khởi kiện hai trang web VN vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ lên Bộ TTTT, và thanh tra chuyên ngành TTTT xử lý các cá nhân, tổ chức quản lý hai trang web phim... info và… biz vì có hành vi chiếu nhiều bộ phim Hồng Kông trên 2 trang web này, nhưng chưa được chủ sở hữu các bộ phim này cho phép. Nhưng đây cũng chỉ là những trường hợp “muối bỏ biển” và thuộc loại hiếm ở VN, bởi website đăng ký sở hữu ở VN.

Tháng 6/2014 Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã phối hợp cùng Hội Truyền thông điện tử TPHCM và Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM đồng tổ chức Hội thảo “Bảo hộ quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong môi trường số” tại TPHCM. Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, Internet là nguồn nhanh nhất đưa tác phẩm đến công chúng nhưng cũng là nguồn gây tổn thất nhất cho những nhà sản xuất nếu bị xâm phạm bản quyền.

Tuy nhiên, bởi sự tiện lợi, dễ dàng và không mất tiền khi xem phim trên các website này mà người dùng Internet vẫn đang vô tình tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền phim.

Khoan nói về vấn đề nội dung phim khi có thể xem bất cứ gì và bất kỳ ai (kể cả trẻ em vị thành niên) cũng có thể xem, thì vấn đề quản lý website chiếu phim vi phạm bản quyền thế nào vẫn là một thách đố không chỉ với cơ quan quản lý thuộc nhiều ngành liên quan./.