“Boyhood” (tựa lời Việt: Thời thơ ấu) là tác phẩm điện ảnh nổi bật của năm 2014 khi nhận được đến 9 đề cử Oscar ở các hạng mục quan trọng như: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc... và đã mang về một tượng vàng cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đồng thời, “Thời thơ ấu” còn nhiều lần được xướng tên tại các đề cử và các lễ trao giải, trong đó phải kể đến: Giải Quả cầu Vàng cho “Phim tâm lý xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”…
Với cốt truyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc gắn liền với quá trình trưởng thành của nhân vật Mason (Ellar Coltrane), “Boyhood” còn là tác phẩm điện ảnh đầu tiên trong lịch sử có thời gian thực hiện lên tới 12 năm. Và là một hành trình thú vị ghi dấu lại hình ảnh của một thời tuổi trẻ bồng bột và háo hức, những biến động trong cuộc sống gia đình cũng như thông điệp của thời gian.
Bộ phim kể về câu chuyện của cậu bé 6 tuổi – Mason cùng hành trình lớn lên của cậu. Từ năm 6 tuổi tới khi 18 tuổi, cậu đã phải trải qua rất nhiều biến động: chuyển nhà, chuyển trường; tranh cãi trong gia đình; chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn rồi tái hôn; mối tình đầu và những tan vỡ. Bộ phim được ví như một cuộc vui đùa với thời gian bởi đạo diễn Richard Linklater đã thực hiện “Thời thơ ấu” trong vòng 12 năm, với cùng một dàn diễn viên, nhằm ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của sự đổi thay theo năm tháng.
Mỗi năm, tất cả mọi người tập hợp lại một lần bất cứ khi nào có thể, để quay trong vòng ba đến bốn ngày. Không ai biết sau 144 tháng, tác phẩm họ tạo ra sẽ như thế nào. Chỉ khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, bức tranh toàn cảnh mới hé lộ.
Chia sẻ về thời gian làm phim đạo diễn Linklater cho biết: “Tôi có tổng cộng 12 kịch bản nhỏ. Hàng năm, tôi đều suy nghĩ về nó, và mỗi khi thời điểm quay phim gần kề, tôi đều mường tượng tổng thể bộ phim. Thật hiếm có tác phẩm nào cho bạn cơ hội để sửa đổi và suy nghĩ xem điều gì là tốt nhất”. Để đánh dấu bước chuyển của thời gian, cũng như thể hiện những trải nghiệm cá nhân của ông về sự thay đổi của con người, xã hội, ông đã sử dụng âm nhạc và những sự kiện văn hóa nổi bật qua từng thời kỳ.
Với ê kíp làm phim, mỗi năm là một cuộc đoàn tụ, là thời điểm họ được chứng kiến sự trưởng thành của nhau xuyên suốt chiều dài bộ phim. Tuy nhiên, cá nhân Linklater lại cho rằng, bản thân ông không hề trưởng thành, hay nói đúng hơn, ông không muốn trưởng thành. Ông muốn bản thân mình vẫn là Linklater của 12 năm trước. Ông muốn đây là một bộ phim hoàn chỉnh, không phải 12 bộ phim nhỏ được biên tập, cắt ghép cẩn thận./.