Tháng 9/1999, bộ phim tâm lý “American Beauty” của đạo diễn Sam Mendes công chiếu tại Mỹ. Phim nói về cuộc sống của Lester Burnham (Kevin Spacey thủ vai), một người đàn ông trung niên làm nhân viên quảng cáo ở một tạp chí.

Nhìn qua, Lester có cuộc sống đáng mơ ước - một người vợ thành đạt, một cô con gái xinh đẹp và một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở vùng ngoại ô. Nhưng bên trong, người đàn ông trung niên này gặp khủng hoảng trầm trọng. Cuộc sống hàng ngày của ông là đến cơ quan bị sếp coi thường, về nhà bị vợ khinh rẻ và con gái ghét bỏ. Tất cả đều cư xử như thể Lester là một người thừa.

hbo_kols_20_cjdl.jpg

Khi cuộc sống trung niên đang nhàm chán và vô nghĩa, Lester tìm thấy “ánh sáng” bên nàng “Lolita” Angela (Mena Suvari thủ vai) – bạn học của con gái mình và là thành viên đội cổ động của trường. Angela luôn tỏ vẻ là mình thạo đời và có một vẻ đẹp phơi phới, quyến rũ. Lester bắt đầu có những mộng tưởng nhục dục về Angela, đặc biệt là khi cô xuất hiện trong tâm trí ông ở trạng thái khỏa thân hoàn toàn giữa hàng nghìn cánh hồng nhung đỏ rực. Đó như là một giấc mộng đẹp, trái ngược với những bi kịch khó gọi tên của hiện thực cuộc sống hàng ngày. 

Một trong những phim Oscar hay nhất mọi thời đại

Có kinh phí sản xuất vỏn vẹn 15 triệu USD, khi ra mắt, “American Beauty” bất ngờ thu về 356,3 triệu USD, trở thành một tác phẩm tâm lý thành công về mặt thương mại. Gần nửa năm sau ở lễ trao giải Oscar đầu tiên của thiên niên kỷ mới, bộ phim xuất sắc giành 5 tượng vàng, ở các hạng mục quan trọng như “Phim hay nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” cho Kevin Spacey, “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho Sam Mendes, “Kịch bản gốc hay nhất” và “Quay phim đẹp nhất”. 

Ở hạng mục “Phim hay nhất”, “American Beauty” đã đánh bại các ứng viên nặng ký như “The Green Mile” (Dặm Xanh”, “The Sixth Sense” (Giác quan thứ Sáu), “The Insider” và “The Cider House Rules” để giành chiến thắng. Thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại, “American Beauty” đặt cột mốc mới cho dòng phim tâm lý. Điều đáng chú ý là đây còn là bộ phim đầu tay của đạo diễn người Anh – Sam Mendes, khi đó mới có 34 tuổi. 

Lịch sử điện ảnh thế giới cũng ghi nhận “American Beauty” sở hữu một trong những tấm poster phim đẹp nhất mọi thời đại, với làn da mịn màng của thiếu nữ, khẽ hõm vào phần rốn tạo hình dấu hỏi cùng đôi tay nhỏ nhắn chạm hờ vào một nhành hoa hồng. 

Triết lý và vẻ đẹp duy mỹ

Giá trị nghệ thuật của “American Beauty” nằm ở cách khai thác câu chuyện rất bình thường, thậm chí là tầm thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng nâng tầm lên thành một vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của sự đối lập, vẻ đẹp từ thất bại, nghiệt ngã, đau khổ, của sự xấu xa. Các nhân vật trong phim đều có hai mặt tốt – xấu và đều có những vấn đề giống nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cách cư xử mỗi người lại khác biệt, cũng giống như xã hội hiện đại, đứng trước một tình huống, mỗi cá thể sẽ xử lý khác nhau.

Hai biểu tượng nổi bật nhất trong phim là “hoa hồng” và “túi rác”. Một thứ tượng trưng cho những gì hoa mỹ, quyến rũ mà ai cũng muốn nhận lấy và thứ còn lại là thô kệch, xấu xí mà ai cũng chỉ muốn vứt đi. Nhưng cả hai thứ đều tượng trưng cho vẻ đẹp.

Trong phim có câu thoại “look closer” (Hãy nhìn gần hơn), ám chỉ việc đôi khi mọi thứ sẽ không như vẻ bề ngoài của nó. Hình ảnh túi rác bay phất phơ trước gió như đang nhảy múa chập chờn đã trở thành biểu tượng của phim. Người sẽ nghĩ đó là sự vô ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi để một chiếc túi ni lông bay loạn như vậy. Nhưng cũng có người sẽ nghĩ đó là một hình ảnh đô thị quen thuộc, gần gũi. 

Phim mang một vẻ đẹp duy mỹ và triết lý rằng trên đời, vạn vật đều có hai mặt. Con người đôi khi phải chấp nhận cả ưu điểm lẫn nhược điểm của chính bản thân mình và những người khác vì trên đời chẳng thứ gì hoàn hảo cả. “American Beauty” ra mắt từ 20 năm trước nhưng ý nghĩa của phim chưa bao giờ bị coi là cũ hay lỗi thời. Nó vẫn có thể áp dụng ở mọi thời kỳ, mọi chốn đô thị./.