Điện ảnh Hollywood đầu tiên được quay ở Việt Nam

"Kong: Skull Island" (tựa lời Việt "Kong: Đảo Đầu Lâu") - bom tấn có ngân sách lên tới 190 triệu USD là bộ phim thứ 7 về Kong – một nhân vật quái thú mang tính biểu tượng của lịch sử điện ảnh được ra mắt lần đầu vào năm 1933. Bộ phim lấy bối cảnh những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, đoàn thám hiểm bao gồm các ngôi sao hạng A của Hollywood đã đặt chân đến một hòn đảo bí ẩn, nơi sinh sống của Kong.

Nội dung phim xoay quanh câu chuyện của một nhóm những nhà khoa học, người lính và cả những nhà thám hiểm khi họ đặt chân tới một hòn đảo hoang sơ với cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và vô vàn hiểm nguy đang rình rập.

tom_hiddleston_centre_and_brie_larson_second_from_left_star_in_data_cgfr_cyuz.jpg
Tom Hiddleston cùng một số diễn viên trong phim “Kong: Skull Island"

Càng tiến sâu hơn vào thánh địa của Kong, các thành viên của nhóm thám hiểm càng nhận ra rằng mọi thứ khác xa hoàn toàn với tất cả những gì mà tất cả đã từng biết tới trước đó. Và đáng sợ hơn cả, không ai trong số họ có thể ngờ rằng mình đang tiến vào lãnh địa tối thượng của Kong huyền thoại, châm ngòi cho một cuộc chiến gay cấn giữa con người và thiên nhiên.

Gạt bỏ mọi dự định cho hành trình khám phá này sang một bên, giờ đây tất cả những gì mà các thành viên của nhóm ước ao chỉ còn là có thể giữ được tính mạng của mình. Và mong muốn cháy bỏng đó đã dẫn dắt họ tới với Vườn địa đàng – nơi mà con người không bao giờ có thể thuộc về…

Một cảnh trong phim "Kong: Skull Island".
Trên thực tế, nhân vật của Tom Hiddleston là một thành viên của Lực lượng không quân Anh (British SAS) đến huấn luyện cho quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến, còn Brie Larson thủ vai một nữ phóng viên chiến trường.

Khác những bộ phim làm về quái vật khác, "Kong: Skull Island" là một phiên bản nguyên thủy hoàn toàn, người xem có thể cảm nhận được rõ ràng nỗi sợ hãi, những điều mới lạ và cả những nguy hiểm đang rình rập phía trước. Đặc biệt, toàn bộ câu chuyện diễn ra trên hòn đảo quê hương của chúa tể Kong chứ không phải là tòa nhà chọc trời nào ở New York hay Dubai nào đó.

Một cảnh ở Việt Nam được tái hiện sinh động trong phim

Để bộ phim có bối cảnh như thời nguyên thủy, đạo diễn Vogt-Roberts và đoàn làm phim đã quay ở nhiều địa điểm như Hawaii, Australia và Việt Nam trong khoảng thời gian khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, đối với vị đạo diễn này, bối cảnh được quay ở Việt Nam là nổi bật nhất.

"Tôi đã lùng sục khắp thế giới. Tôi đặc biệt không muốn bộ phim trông giống như một Công viên Khủng long... Tôi muốn phim phải thật sinh động" - đạo diễn Vogt-Roberts giải thích.

Chính vì vậy mà không ít người xem đã phải ngỡ ngàng và đắm chìm trước khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ ở Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long, được xuất hiện tuyệt đẹp trong phim. Cụ thể, đó là những hòn đảo đá vôi nhô lên giữa vùng vịnh ngập nước (Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh) - nơi trú ngụ của Kong... Những địa danh nổi tiếng như hệ thống hang động Tú Làn, động Phong Nha ở Quảng Bình, khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc và đầm Vân Long ở Ninh Bình lần lượt được xuất hiện trong các phân đoạn của phim…

Hay như đầm Vân Long thực tế thường có khách du lịch đi thuyền vãn cảnh thì trong phim được các nhà làm phim tạo hình thành bối cảnh có một ngôi làng thổ dân rồi những cảnh quay cò bay rợp trời ngoài đời thực ở vùng đầm trũng của Ninh Bình và trong phim "Kong: Skull Island" không mấy khác biệt. Và cả cánh đồng cỏ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) mang một vẻ đẹp yên bình với những dãy núi trập trùng và mây bao quanh tuyệt đẹp.

Chính hai nam diễn viên Tobby Kebbell và Jason Mitchell đã rất sửng sốt khi được chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp nhất mà họ từng thấy trong đời, đặc biệt là vịnh Hạ Long. Còn nam tài tử Tom Hiddleston thì bộc bạch rằng, anh không thể quên những trải nghiệm du lịch của mình ở Phong Nha và anh rất thích nơi đây, bởi phong cảnh ở đó rất đẹp.

Còn đạo diễn Vogt-Roberts đã dành những tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam, đặc biệt với các cảnh quay tại Quảng Bình. Anh từng chia sẻ: “Tất cả mọi thứ thuộc về Quảng Bình rất đặc biệt với tôi. Mỗi nơi tôi đến ở Việt Nam đều mang đến những cảm xúc khác nhau, người dân ở đây sở hữu những rung cảm rất đặc biệt. Ngay khi đặt chân đến Quảng Bình, tôi phải thốt lên rằng Chúng ta phải quay phim ở đây, chúng ta phải đến với Việt Nam”. Anh tiếp lời ca ngợi cảnh đẹp ở Việt Nam rằng những danh lam thắng cảnh nơi đây thực sự là những kỳ quan hiếm có, xinh đẹp và độc đáo.

Khán giả - Người khen, kẻ chê

Là bộ phim được nhiều khán giả Việt mong chờ trong tháng 3 này và được đầu tư "chăm chút" kỹ lưỡng về mặt kỹ xảo, diễn viên... tuy nhiên, sau buổi công chiếu vào tối 9/3, "Kong: Skull Island" vẫn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía khán giả.

Cụ thể, chị Nguyễn Thị Thu Trang – sinh viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội sau khi xem phim đã khẳng định “Kỹ xảo trong phim hấp dẫn, hiệu ứng hình ảnh đẹp, đặc biệt là những cảnh quay thiên nhiên Việt Nam. "Kong: Skull Island" mang tính giải trí cao và những yếu tố trong phim đều được khai thác ở mức vừa đủ, mãn nhãn phần nhìn”.

Đồng quan điểm đó, anh Hoàng Trần Kiên – Viện kỹ thuật công trình thừa nhận: "Kong: Skull Island" thực sự là một tác phẩm điện ảnh hay, không chỉ ở chất lượng phim tốt, tập trung vào tuyến truyện giữa nhóm nhân vật con người mà bộ phim còn khiến khán giả phải choáng ngợp trước những cảnh quay đa chiều rất đẹp ở Việt Nam.

Đây là bộ phim làm về quái vật hay nhất mà tôi từng xem từ trước đến nay. Đặc biệt, qua bộ phim, một phần nào hình ảnh tươi đẹp về Việt Nam cũng đã được quảng bá một cách khéo léo. Tôi nghĩ đây là một hình thức rất hay có thể phát huy để quảng bá du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Nhân vật Kong trong phim

Tuy nhiên, một số khán giả lại tỏ ra chưa thực sự "ưng" phần diễn xuất của nam diễn viên chính Tom Hiddleston. Trong đó có anh Phạm Văn Thắng – nhân viên văn phòng: “Trước khi phim ra mắt, tôi rất kỳ vọng rằng nam diễn viên Tom Hiddleston – tài tử điện ảnh số 1 nước Anh sẽ có một vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong phim này. Tuy nhiên, tôi thấy tất cả diễn ra rất đều đều. Nhân vật của anh chẳng có gì thực sự nổi trội so với những diễn viên phụ khác”.

Cùng với đó, chị Vũ Phương Huyền – nhân viên kinh doanh bất động sản cho rằng: “Tôi không hiểu tại sao nhân vật Kong lại bị cho “ra mặt” sớm thế, chính vì vậy mà phim thiếu đi độ cao trào, kịch tính, khiến người xem mất đi cảm giác hồi hộp. Nếu đạo diễn cho Kong xuất hiện chậm hơn chút nữa có lẽ sẽ tăng tính tò mò trong khán giả hơn”./.