Không bạo lực và nước mắt như “Bóng ma học đường”, không nhiều giằng xé, kịch tính như “Sài Gòn Yo”,cũng không hồi hộp, kinh dị như “Bẫy cấp 3” và khá nhiều bộ phim khác, “Dành cho tháng 6” là một câu chuyện lãng mạn đầy chất thơ, trong sáng và tinh nghịch của lứa tuổi học trò.
Câu chuyện tình bạn, tình yêu thuở học trò
“Dành cho tháng 6” xoay quanh câu chuyện về ba người bạn học cùng lớp phổ thông - Kiên (Huỳnh Anh), Minh (Thiên Tú) và Hoàng (Quốc Trung). Cả ba cùng tham gia đội bóng rổ của trường và đảm nhiệm những chức vụ khác nhau: Kiên - đội trưởng tài năng, Minh - người quản lý đội duyên dáng và Hoàng - thành viên tích cực. Là những người bạn chơi trong nhóm nhưng Kiên đã thầm thương trộm nhớ Minh từ trước đó rất lâu rồi. Tuy nhiên, với bản tính nhút nhát, hiền lành mà Kiên đã không dám nói ra tình cảm chân thành của mình dành cho Minh. Cho đến một ngày, trận đấu bóng quan trọng sắp diễn ra, Kiên mới lấy hết được can đảm để nói lời tỏ tình với cô bạn gái xinh đẹp. Nhưng trớ trêu thay, Minh đã thẳng thừng từ chối và không đưa ra bất cứ lý do nào.
Tình bạn trong sáng tuổi học trò của Kiên (trái) và Minh |
Thất vọng, Kiên đột ngột bỏ về quê và để lại đội bóng phải đối mặt với bao khó khăn trước mắt. Để cứu vãn tình thế, Hoàng và Minh quyết định lên đường về Thái Nguyên để tìm Kiên, tìm câu trả lời thích đáng nhất cho câu hỏi mà họ đã từng né tránh và cũng là để thuyết phục Kiên trở lại giúp đội bóng. Thật vô tình, chuyến về quê tìm Kiên đã trở thành cuộc hành trình đi đến trưởng thành trong suy nghĩ của ba người bạn.
Ấn tượng trong phim chính là những phân đoạn quay “có tiếng mà không có người”. Người lớn rất ít xuất hiện trong khung hình, nếu có cũng chỉ là giọng nói, hình dáng phía sau hoặc chủ ý “cắt gọt”, chỉ để lộ một đôi vai, bàn tay hoặc vạt áo. Đây chính là một thủ pháp rất đặc sắc của nhà làm phim, giống như một lời khẳng định rằng phim của người trẻ sẽ là một thế giới không có sự can thiệp của người lớn.
Một cảnh trong phim "Dành cho tháng 6" |
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Trong bộ phim này, tình yêu của tuổi trẻ là một điều gì đó rất thiêng liêng và ý nghĩa. Nó mang cảm xúc sâu sắc, tinh tế rất đáng được trân trọng, nâng niu. Tôi quan niệm rằng tình yêu đầu đời là cơ hội để các bạn trẻ có được những trải nghiệm trong tâm hồn, biết đối diện và vượt qua những khó khăn, trắc trở để sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh. Qua đó, họ sẽ trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ”.
Bức tranh tổng thể rực rỡ sắc màu
“Dành cho tháng 6” giống như một bức tranh tổng thể được khắc họa với những đường nét tinh tế. Hà Nội hiện lên trông quen thuộc với hàng cây xanh tươi tốt và những con đường phủ đầy lá rơi. Rời xa thủ đô, ngược dòng lên Thái Nguyên với vùng trời trong xanh, tĩnh lặng và rộng lớn đã làm êm nhẹ bước chân trên những cánh đồng xanh mướt và khung cảnh yên bình.
Một số cảnh đẹp trong phim "Dành cho tháng 6" |
Cùng với đó, phần âm nhạc của nhà soạn nhạc người Pháp Guillaume Vetu cùng các giai điệu Rock đến từ Re-Cycle, Smallfire, K.O.P, Gạt Tàn Đầy đã giúp đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kể câu chuyện của mình một cách trọn vẹn hơn. Sử dụng nhiều loại nhạc trong phim, “Dành cho tháng 6” đã đưa khán giả đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lúc sôi động, hối hả, nhộn nhịp như cuộc sống Hà Thành nhưng cũng có những lúc thanh bình, nhẹ nhàng như chính "quê Chè" Thái Nguyên.
Điểm nhấn quan trọng trong phim chính là trận đấu bóng rổ gay cấn giữa trường Lý Thường Kiệt và trường Duy Tân - nơi mà Kiên, Minh và Hoàng đều đang theo học. Những buổi tập luyện đơn thuần, những trận đấu giao hữu hay những giải bóng quan trọng đều được đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn khắc họa một cách chân thực nhất qua từng góc cạnh với những kỹ thuật chơi bóng điêu luyện của các thành viên, đặc biệt là những lời bình luận trực tiếp hài hước, vô tư và hồn nhiên của hai chàng trai trẻ.
“Dành cho tháng 6” không chỉ tái hiện lại hình ảnh “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… học trò” với những nét hồn nhiên, trong sáng, tinh nghịch mà nó còn gợi lại ký ức cũng như kỷ niệm của những con người trưởng thành về một thời cắp sách đến trường đã qua, về những năm tháng mặc đồng phục ngồi trong lớp nhìn vu vơ ra những khoảng không bên ngoài ô cửa, nhớ những sân trường tràn ngập tiếng cười và nhớ cả tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ.../.