Tối 15/3, lễ trao giải Cánh diều 2013 sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) nhưng hình như người trong giới cũng như khán giả chẳng mấy quan tâm, nhất là khi kết quả có vẻ đã gần như biết trước.
Cảnh trong phim Tèo em - phim bị giới chuyên môn chỉ trích hài nhảm cũng được tham gia tranh giải Cánh diều 2013. |
Nhưng ngay cả khi bỏ qua giải thưởng cao nhất của giải Cánh diều, vẫn cần những “cuộc đua khó đoán” cho các giải thưởng, hạng mục còn lại. Nhưng sự góp mặt “cho vui” của những bộ phim không được đánh giá cao khiến những dự đoán cũng dễ dàng được khoanh vùng lại. Sẽ khó có vị giám khảo nào dám chọn những bộ phim bị dư luận cho là “nhảm” hay “thảm họa”. “Bí ẩn” chỉ có mỗi phim Sau ánh hào quang (đạo diễn: Lê Hữu Lương) là chưa được chính thức công chiếu rộng rãi. Nhưng bộ phim về “tình yêu và tham vọng” này cũng khá im hơi lặng tiếng khi phim cùng có mặt tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18, diễn ra trong năm qua.
Chỉ có 2 phim là thuyết phục được số đông về yếu tố giải trí cũng như cách thể hiện: Thần tượng (đạo diễn: Nguyễn Quang Huy) và Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn: Hàm Trần). Riêng Đường đua (đạo diễn: Nguyễn Khắc Huy) và Và anh sẽ trở lại (phim đầu tay của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ) thuộc mảng phim nghệ thuật, mỗi phim đều nhận được những ý kiến trái chiều. Nhưng xét ở một góc độ nào đó, điểm chung và cũng là “điểm thất bại” của cả hai bộ phim này chính là quá tập trung vào tiểu tiết mà quên mất việc xây nên một tổng thể hoàn chỉnh.
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh tại giải Cánh diều 2013, nói rằng phim nào cũng được quyền cạnh tranh bình đẳng. Nhưng thực tế, giá trị mỗi phim đã được hiển hiện trên màn ảnh rộng, sàng lọc chất lượng qua chính dư luận, truyền thông và những đánh giá chuẩn xác của giới làm nghề. Hai bộ phim Tèo em (đạo diễn: Charlie Nguyễn) và Cô dâu đại chiến 2 (đạo diễn: Victor Vũ) dù có doanh thu “khủng” khi được công chiếu ngoài rạp nhưng lại không chiếm được cảm tình của giới chuyên môn.
Và có lẽ cũng không có gì phải bàn luận thêm về các phim tham dự “cho vui”: Gác kiếm, Săn đàn ông, Tiền chùa, Tía ơi! và Hiệp sĩ guốc vông.
Duy trì được là mừng?
Nhờ có sự tham gia của các đơn vị sản xuất tư nhân mà giải Cánh diều mỗi mùa đều “đông vui” nhưng cũng chính vì thế mà sân chơi này ngày càng “tạp nham”. Mở cửa “đón nhận tự do” tất cả phim tham dự thiếu sự sàng lọc cần thiết đã khiến giải thưởng của hội nghề nghiệp trở thành nơi hội tụ cùng lúc của những “thảm họa” điện ảnh khiến người trong giới nhìn vào thấy ngán ngẩm.
“Thực chất giải Cánh diều là cuộc tổng kết 1 năm của điện ảnh, ban tổ chức luôn mời gọi tất cả đơn vị sản xuất tham gia để có được cái nhìn toàn diện cả năm. Còn nếu sàng lọc thì đã có liên hoan phim diễn ra 2 năm/lần rồi. Tính chất của mỗi giải thưởng khác nhau, hiện nay, số đầu phim sản xuất mỗi năm cũng chưa nhiều để có thể tính đến yếu tố sàng lọc khắt khe hơn” - nhà báo Đinh Trọng Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh, Trưởng Ban Giám khảo báo chí giải Cánh diều 2013 - lý giải.
Thiếu vắng những bộ phim có sức cạnh tranh, không khí dự đoán sôi động cần thiết của bất kỳ giải thưởng nào đã khiến cho giải Cánh diều càng lúc càng èo uột. Theo thông tin riêng từ một trong những rạp chiếu phim tham gia giải Cánh diều phục vụ khán giả tại Hà Nội, mặc dù vé mời miễn phí nhưng những ngày qua khán giả đến rạp chỉ lác đác. Có đông người xem là những phim từng “hot” ở rạp như Tèo em, Cô dâu đại chiến…
“Càng lúc giải Cánh diều càng gây thất vọng cho người làm nghề, công chúng mất niềm tin nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi nghĩ còn duy trì được giải thưởng đã là mừng rồi” - một đạo diễn có phim dự giải bày tỏ./.
Không truyền hình trực tiếp vì không có tiền