Bộ phim Việt Nam đầu tiên về đề tài đồng tình nữ “Valentine Trắng” vừa gây chú ý tại thị trường Bắc Mỹ. Một trong những lý do khiến “Valentine Trắng” nhận được sự đồng cảm từ công chúng là tinh thần dũng cảm phá vỡ định kiến xã hội của đạo diễn Hồng Ngân.
Đạo diễn Hồng Ngân (thứ hai từ phải qua) |
Phim kể về câu chuyện cặp đôi đồng tính nữ Linh (Vương Thu Phương đóng) và DJ nổi tiếng Kim (Diệu Huyền đóng) phải vượt qua nhiều chông gai, trắc trở và đấu tranh nội tâm để đến được với nhau.
Xin chào chị Hồng Ngân. Chị là một trong những người tiên phong trong đề tài tình yêu đồng tính nữ tại Việt Nam. Vì sao chị chọn chủ đề này?
Tôi nghĩ rằng đạo diễn là một nghề vô cùng đặc biệt. Đó là người tạo ra số phận con người trong xã hội ảo, mang thông điệp thật để cuộc sống trở nên tốt hơn. Với tôi, tôi muốn giúp phụ nữ được yêu thương nhiều hơn. Vì thế phim tôi làm đều có thiên hướng bênh vực phụ nữ.
Cách đây khoảng chục năm, có người nói với tôi: “Hay Ngân làm phim về chủ đề đồng tính nữ đi”. Tôi nghe giật mình. Có biết gì đâu mà làm?
Nhưng khi qua Mỹ ở một thời gian, ý tưởng một câu chuyện tình yêu đồng tính nữ cứ quanh quẩn trong đầu. Tôi nghĩ: “Ồ, cũng đáng làm lắm! Đề tài hay. Mà xã hội định kiến quá nhiều. Tại sao mình không lên tiếng?”
Qua đề tài này, chị muốn chuyển tải thông điệp gì?
Sự trân trọng tình yêu. Đó là lý do tôi đặt tên phim là “Valentine Trắng”. Valentine biểu tượng cho tình yêu.
Lúc sống ở Mỹ, tôi cũng thấy tình yêu của những cặp đôi đồng tính thẳng thắn lắm. Người xung quanh không ai kỳ thị. Không có gì phải giấu giếm. Không có gì phải ngại ngùng. Vì thế tôi kể chuyện không rào đón. Cách nhìn của tôi rất trực diện. Cách quay của phim táo bạo, thẳng thắn. Tôi nghĩ là, đã yêu nhau thì cứ tự nhiên mà yêu đi!
Khi làm đề tài này, khó khăn lớn nhất chị gặp là gì?
Khó khăn là… lý ra đã không có kịch bản phim để mà quay.
Khoảng 7 – 8 năm trước tôi đã viết xong kịch bản cho “Valentine Trắng”. Một buổi chiều, tôi đem máy tính ra vườn để lấy cảm hứng viết. Nhưng đột ngột trời mưa xuống, tôi chạy vào nhà không kịp, nước mưa dính vào máy. Thế là hư. Sửa cả tháng không được. Tôi phải mua máy mới. Đến lúc đó tôi mới nhớ đến kịch bản phim chưa được tải lên bộ nhớ đám mây, vẫn nằm trong máy cũ. Thế là mất luôn. Tôi không biết cách nào để khôi phục lại.
Tới khi về Việt Nam, ngồi tâm sự, bạn bè ủng hộ tôi làm đề tài này. Họ nói là: “Đề tài hay quá, đẹp quá, làm đi Ngân ơi!”
Được ủng hộ nhiều, tôi kỳ cạch ngồi gõ kịch bản lại từ đầu. Viết lại tất cả những gì tôi nhớ. Mệt lắm. Có lẽ đề tài đồng tính nữ với tôi cũng có một chút duyên. Nếu không thì kịch bản đã đi luôn chứ không còn dịp trở về với tôi.
Đôi khi xã hội định kiến rằng les yêu rất ghê, ghen rất nhiều. Tình yêu trong “Valentine Trắng” lại khác hẳn. Kim và Linh yêu thầm lặng, hi sinh cho nhau. Tại sao chị lại khác biệt như vậy?
Nhiều người hay nói les là yêu cuồng, ghen cuồng. Không. Cuồng là bởi con người. Cách hành xử trong tình yêu thuộc về quan điểm sống, trí tuệ, đẳng cấp của mỗi cá nhân. Tình yêu nam nữ cũng yêu, ghen, rồi đòi tự tử, giết nhau đó thôi. Sao cứ phải quy chụp cho les?
Tình yêu chỉ có một điển hình thôi: đẹp đẽ. Tôi muốn lấy một câu chuyện đẹp nhất để nói về thế giới đồng tính nữ. Tình yêu của họ sâu sắc vô cùng, hi sinh vô cùng. Còn định kiến les ghen điên cuồng là chuyện của xã hội, không phải của tình yêu.
Siêu mẫu Vương Thu Phương và siêu mẫu Diệu Huyền trong phim Valentine trắng |
Ngày phim được công chiếu, có một cặp vợ chồng tới nói chuyện với tôi. Người vợ bảo: “Em vào rạp cho vui thôi. Không nghĩ rằng mình sẽ xem phim về tình yêu đồng tính nữ. Em là một người định kiến”.
Cô ấy nói rằng bộ phim đã thay đổi tư tưởng của cô: “Em không ngờ hai nhân vật yêu nhau đến mức như vậy. Mỗi khi họ gặp nhau, em không cầm được nước mắt. Tình yêu quá đẹp đi”.
“Em nghĩ về gia đình em. Em có hai đứa con nhỏ. Làm sao em biết được tương lai con mình sẽ yêu ai, mang giới tính gì. Nhưng nếu con em là les, em sẽ có cách chia sẻ với con nhiều hơn. Em sẽ không định kiến nữa. Nếu như hai người đã yêu nhau đến mức không thể xa cách, thì đúng là không bao giờ nên chia lìa họ.”
Chí ít phim đã để lại được chút gì trong lòng độc giả. Đó là điều khiến tôi hạnh phúc.
Được một hệ thống rạp lớn thứ nhì ở Bắc Mỹ nhận phát hành, chị có cảm tưởng như thế nào?
Hệ thống lớn của Mỹ có tiêu chuẩn của riêng họ. Họ phải nhìn nhận một bộ phim đạt các chuẩn đó thì mới đồng ý chiếu. Đáp ứng các tiêu chí ấy không hề dễ.
Trong quá trình làm “Valentine Trắng”, đoàn làm phim đã trau chuốt hết sức có thể trong từng khung hình, từng lời thoại, từng thông điệp. Nỗ lực không mệt mỏi của mọi người đã được cụm rạp AMC ghi nhận. Tôi rất vui vì điều đó./.