Sáng 25/10, tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hà Nội, đã diễn ra chương trình giao lưu của các nhà làm phim Việt Nam với Giáo sư Mark Jonathan Harris, Trưởng khoa Sản xuất phim tài liệu, trường Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Nam California, Mỹ. Mark Jonathan Harris cũng là đạo diễn từng đạt 3 giải Oscar ở thể loại phim tài liệu.

Buổi giao lưu được coi là cơ hội hiếm có để các nhà làm phim tài liệu Việt Nam gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhà làm phim tài liệu đã có 40 năm làm nghề và kinh nghiệm 25 năm dạy về làm phim tài liệu tại trường điện ảnh danh giá nhất nước Mỹ.

Trích đoạn của phim tài liệu được đề cử giải Oscar mang tên “Spellbound” (2002) do đạo diễn Mark Jonathan Harris giới thiệu được trình chiếu và lấy làm chủ đề thảo luận. Phim tài liệu Spellbound tập hợp những câu chuyện của 8 thiếu niên người Mỹ tham gia cuộc thi đánh vần quốc gia với nhiều tình huống bất ngờ, hài hước và giàu cảm xúc.

harris-mark.jpg
Đạo diễn Mark Jonathan Harris từng 3 lần đoạt giải Oscar về phim tài liệu.

Tuy chỉ chiếu trích đoạn ngắn của phim Spellbound nhưng đã tác động lớn tới người xem với một cách làm phim tài liệu theo xu hướng thế giới, không sử dụng lời bình. Âm thanh động tự nhiên được khai thác triệt để. Câu chuyện của 8 thiếu niên tham dự chung kết cuộc thi đánh vần quốc gia diễn ra theo kết cấu mạch lạc với câu chuyện từng nhân vật, phản ánh các khía cạnh khác nhau của những tầng lớp người trong xã hội Mỹ.

Nhưng cô bé, cậu bé được coi như thần đồng nhưng dưới góc nhìn của những người làm phim hiện lên chân thực, sống động với những tâm tư, suy nghĩ rất đời thường. Sau Spellbound, buổi giao lưu cũng chiếu bộ phim tài liệu ngắn "Made by me". Phim không được dịch sang tiếng Việt hay sử dụng phụ đề nhưng hầu hết khán giả đều hiểu, đều cảm được công việc của những người thợ thủ công. Theo ông Mark Jonathan Harris thì phim tư liệu phải đảm bảo 70% nội dung được hiểu, dù nó được sử dụng bằng ngôn ngữ khác.

Ông Mark Jonathan Harris cũng cho rằng đây là thời kì của phim tài liệu vì sự bùng nổ và phát triển của thể loại phim này trên thế giới với những lí do sau. Thứ nhất, đây là thời kì của phương tiện kĩ thuật số, thời “dân chủ hóa” việc làm phim. Thứ 2, kênh truyền tải đến người xem đã thuận lợi hơn khi có các trang mạng xã hội, youtube... Đây là công cụ tuyệt vời để đưa phim đến với khán giả. Thứ 3, vì lí do con người luôn muốn biết về sự thật hơn là những câu chuyện hư cấu.

Giáo sư Mark cũng chia sẻ kinh nghiệm đề làm một bộ phim tư liệu tốt, phẩm chất đầu tiên cần phải có là sự tò mò, thứ 2 phải luôn cởi mở với những vấn đề các nhà làm phim đang định khám phá.

Đạo diễn Harris trong buổi giao lưu với các nhà làm phim Việt Nam

Buổi giao lưu diễn ra hào hứng, sôi nổi, vì các nhà làm phim đều quan tâm đến cách thức, xu hướng làm phim tài liệu. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Phong cách làm phim tài liệu thường sử dụng trên thế giới; tính chân thực của bộ phim có bị mất đi khi dàn dựng những cảnh quay; cấu trúc phim thế nào cho hấp dẫn; cách chọn chủ đề; lựa chọn và tiếp cận nhân vật ra sao để mang lại sự thành công...

Qua những trích đoạn và phim tư liệu ngắn được trình chiếu nhiều nhà làm phim Việt Nam đã có sự nhìn nhận lại về khái niệm phim tư liệu mà từ trước đến nay họ vẫn hay hiểu. Đó không chỉ là những bộ phim về lịch sử; các nhân vật, sự kiện tầm cỡ... Đó còn là những câu chuyện dễ được tìm thấy ở ngay xung quanh cuộc sống như: những người lau kính các tòa nhà, số phận của trẻ em người Do Thái, mặt tối của bác sĩ trong trại tập trung ở Mỹ... Hoặc góc nhìn khác về những vấn đề cũ như tội ác phát xít như: người ta đã xây dựng lại cuộc đời như thế nào...

Chương trình giao lưu này nằm trong chuỗi hoạt động của giáo sư Mark Jonathan Harris tại Việt Nam nhằm nâng cao hoạt động đào tạo về làm phim tài liệu với các bạn yêu thích làm phim do chính bản thân ông trực tiếp đứng lớp. Lớp học nâng cao làm phim tài liệu dành cho các nhà làm phim trẻ tại trung tâm TPD và các nhà làm phim được tuyển chọn tại Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 25-27/10 tại Hà Nội./.