Thông tư ban hành qui chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017), lần đầu tiên phim Việt được phân 4 loại, trong đó được chú ý nhất là loại C18 (Phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi). Các nhà làm phim Việt liệu có nên mừng khi cảnh nóng sẽ được “mở”?

Lâu nay các nhà sản xuất phim ở Việt Nam hay kêu ca về chế độ kiểm duyệt chỉ có 2 loại: dưới 16 tuổi và cộng đồng nên như bị bó tay chân. Nhà làm phim thì nói hạn chế sáng tạo, hoặc nếu có sáng tạo thì bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt “nát vụn” mất cả ý nghĩa của toàn bộ kết cấu phim.

Nhà kinh doanh phim thì luôn thấy bị hao hụt lợi nhuận khi phim kinh doanh bị cắt những cảnh “nóng” nhất để thu hút khán giả tới rạp…, chưa kể vì chịu sự kiểm duyệt mà có nhiều phim không thể ra rạp.

Thông tư mới phân 4 loại, đặc biệt có C18, như một sự nới lỏng khá mềm, và nó như tia hy vọng để các cảnh nóng có thể có biên độ rộng hơn, phóng khoáng hơn, bởi “Thượng đế” toàn người lớn. Nhưng phải chăng cảnh nóng đã được “mở”?

chipheo_ncte_rlzm.jpg
Hình ảnh Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở tại vườn chuối trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (Ảnh tư liệu)

Cảnh nóng phim Việt thời khốn khó

Ra đời trong thời kỳ rục rịch đổi mới, "Làng Vũ Đại ngày ấy" năm 1982 đã có một cảnh táo bạo đến mức không ai ngờ có thể xuất hiện lúc bấy giờ. Cảnh Chí Phèo "cưỡng bức" Thị Nở ở vườn chuối. Là một chi tiết rất ý nghĩa trong nguyên tác của Nam Cao, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã nhất quyết không cắt cảnh này đi.

Mặc dù phải quay đi quay lại nhiều lần, nỗ lực ấy "chỉ" tạo ra một cơn chấn động tai tiếng trong giới phê bình. Sau khi hoàn thành, đã phải cắt bỏ nhiều lần nhưng mãi vẫn không được duyệt. Đến khi đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh đến xem và yêu cầu giữ lại vì cắt đi thì "sẽ không còn là Chí Phèo nữa" thì "Làng Vũ Đại ngày ấy" mới được chiếu tại các rạp.

“Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh năm 1987 có cảnh làm tình của những cô gái giang hồ hay hình ảnh nữ nhân vật chính khỏa thân. Phim đã phải chịu búa rìu dư luận khá nhiều trước khi được ra rạp.

Một cảnh quay nghệ sĩ Minh Châu thể hiện táo bạo trong phim Cô gái trên sông (Ảnh tư liệu)

“Số đỏ” cũng năm này, đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lớn như Quốc Trọng, NSND Như Quỳnh, NSND Trần Tiến, NSND Trịnh Thịnh, NSƯT Phạm Bằng... Khi thực hiện, vì muốn phim mang tính trào phúng sâu cay, đạo diễn Hà Văn Trọng đã quyết định đưa nhiều cảnh táo bạo lên màn ảnh như cảnh Hoàng Hôn nằm lả lơi trên giường hay cô Tuyết nằm khỏa thân trên giường sau cuộc ân ái với Xuân tóc đỏ... Phim cũng vấp phải nhiều khó khăn khâu kiểm duyệt, nhấc lên đặt xuống mãi mới công chiếu.

Nhưng vẫn chỉ là sự rụt rè, theo nguyên tác tác phẩm hay bối cảnh bắt buộc phải thế. Cảnh nóng phim Việt vẫn ngập ngừng gần như ít đạo diễn nào dám thử trong phim của mình. Tới năm 1989, điện ảnh Việt mới dám có một cảnh nóng tắm nude của Tuyên phi Đặng Thị Huệ (NSND Lê Vân) trong phim “Đêm hội Long Trì”.

Nhưng rồi, không biết có phải cái gì “thắt” chặt quá, khi được “hé” thì ào ào. Vào thập niên 1990, một loạt phim sau đó, nhất là thời kỳ phim “mì ăn liền” đã có những cảnh nóng táo bạo, như “Người tình trong mơ”, “Bãi biển đời người”… Nhưng những phim này hạn chế phổ biến và gần như không được công chiếu. Cho thấy cảnh nóng phim Việt trước năm 2000 vẫn là một cánh cửa “đóng”.

Đến thời không cảnh nóng không phải phim Việt

Bước sang thế kỷ 21 của thời “toàn cầu”, “hội nhập”… thì cảnh nóng đã trở nên “bình thường” trong hàng loạt phim điện ảnh Việt. Từ phim mang tính nghệ thuật đến phim thị trường, đến nỗi đã có slogan: “Phi cảnh nóng bất thành phim Việt”. Hàng loạt phim đình đám có những cảnh nóng càng ngày càng bao liệt và “hiện thực”.

Phim nghệ thuật có thể kể đến những phim tiêu biều như “Thung lũng hoang vắng”, “Sống trong sợ hãi”, “Bi, đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”... Phim thị trường thì kể không hết với rất nhiều cấp độ cảnh nóng như “Đẻ mướn”, “Bẫy rồng”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Mỹ nhân kế”, “Scandal”, “Hương Ga”….

Cảnh nóng trong phim "Scandal".

Ngay như hiện tại, từ khi thông tư chỉ là dự thảo, thì phim Việt đã xem cảnh nóng như một “chiêu” để thu hút khách. Chẳng thế, gần như phim nào cũng thế, khi còn đang trên trường quay đã hé lộ thông tin có cảnh nóng nào, diễn viên đóng cảnh nóng là ai, rồi phỏng vấn diễn viên diễn cảnh nóng ra sao, úp mở vài hình ảnh mờ mờ ảo ảo tung lên truyền thông.

Kể cả những trailer phim cũng tung những hình ảnh cảnh nóng cứ như hình ảnh nội dung chínhh của phim để quảng bá, mà thật sự cảnh nóng có khi cộng lại cả phim chưa tới 3 phút.

Nhưng cũng không phải vì thế mà phim có cảnh nóng đã có thể tư do “mở”. Đã có những phim không thể phổ biến nếu không “biên tập lại như “Trung úy”, “Mùa hè lạnh”, hay cất kho như “Bẫy cấp 3”, “Biết chết liền”, “Mất xác”… bởi những cảnh nóng trần trụi, với tỉ xuất tương đối nhiều mà gần như không liên quan đến mạch chuyện phim, chỉ như yếu tố câu khách.

Cảnh nóng đã thực sự “mở”?

Thông tư như cánh cửa “mở”, song không phải đã rộng cửa để có thể làm phim dành cho “người lớn” tự do thoải mái. Ngay trong nội dung thông tư có quy định ở loại C18: Về khỏa thân- “Không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân toàn phần đó phù hợp với nội dung phim, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài”.

Về tình dục - “Không chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài”.

Vẫn còn những câu chữ, từ ngữ trong thông tư chưa rõ ràng về chi tiết, nhưng như thế cũng đủ thấy, cảnh nóng chưa thể “mở” rộng theo ý muốn, ý thích của các nhà làm phim.

Và thông tư đưa ra những quy định phân loại theo 4 cấp độ không có nghĩa là sẽ khuyến khích dòng phim C18 phát triển chỉ bởi có nhiều cảnh nóng. Mà điều quan trọng, nhà sản xuất phim cũng không thể lấy cảnh nóng như một cách “thị trường” hóa phim.

Năm 2017, khi thông tư có hiệu lực, thử đợi xem phim Việt có lợi dụng cơ hội này để thành một dòng phim C18 tràn ngập cảnh nóng? Hay bỏ qua cơ hội để thật sự hướng tới những phim nghệ thuật không cảnh nóng vẫn có nhiều giá trị thẩm mỹ, và thông điệp nhân văn./.