Trở về thiên đường của tuổi thơ với cách kể chuyện ngập tràn cảm xúc, bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" khác hẳn với những phim trước của đạo diễn Victor Vũ khi không có sự góp mặt của các ngôi sao, mà “đặt cược” vào một dàn diễn viên nhí. Những “thiên thần” làm nên sự trong sáng và ngọt ngào cho cả bộ phim này là ai và làm sao để lọt vào mắt xanh của vị đạo diễn khó tính này?

Hành trình tìm kiếm “thiên thần”

Sức lôi cuốn đặc biệt của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là ở những cảm xúc rung rinh, trong trẻo như giọt sương mai treo đầu ngọn cỏ mà người lớn ngậm ngùi thấy mình đã bỏ quên đâu đó trên bước đường đời, và chỉ những đứa trẻ ngây thơ như thiên thần mới có thể diễn đạt nổi. Vì thế, yêu cầu đầu tiên của đạo diễn Victor Vũ là phải tìm bằng được các cô cậu bé “biết diễn xuất nhưng vẫn giữ được những nét hồn nhiên, trong sáng”.

 

hoa_vang_co_xanh_2__fpnf.jpg
Từ phải qua: Thịnh Vinh (vai Thiều) – Thanh Mỹ (vai Mận) – Trọng Khang (vai Tường)
Thiều là vai diễn khó, vừa còn trẻ thơ, nhưng chớm thức dậy những cảm xúc “là lạ” đầu đời, lại vừa là một ông anh cả thương em, nhưng cũng ôm nhiều mặc cảm ghen tỵ với em mình. Vai Tường và Mận tuy hồn nhiên, nhưng lại rất tinh tế. Tường tuy bé, song bản chất nhân hậu và hi sinh đến mức khiến người lớn khi xem phim phải rơi nước mắt. Còn Mận phải là một cô bé dễ thương đến nỗi ai cũng phải mủi lòng và gây sóng gió trong lòng hai anh em Thiều, Tường dù chỉ là những đứa con nít chưa từng hiểu hai chữ tình yêu.

Hàng trăm bức ảnh được gửi tới để chọn ra gần 50 cô, cậu bé có gương mặt thiên thần đến gặp đạo diễn Victor Vũ. Sau 3 ngày casting và gần một tuần suy nghĩ, bộ ba Thiều, Tường, Mận đã được chọn.   

Thiều là vai diễn khó, vừa còn trẻ thơ, nhưng chớm thức dậy những cảm xúc “là lạ” đầu đời, lại vừa là một ông anh cả thương em
Thịnh Vinh - vai Thiều, là lớn nhất cũng chỉ 15 tuổi, Trọng Khang - vai Tường vừa tròn 10 tuổi, còn Thanh Mỹ - vai Mận thì mới lên 9. Cả 3 cô cậu bé này sẽ đảm nhiệm vai diễn ở tận Phú Yên, với những trải nghiệm chưa từng có trong đời về cuộc sống thôn quê, giữa thiên nhiên hùng vĩ, đôi khi thật khắc nghiệt, và cái đói...

Khi “thiên thần” phải khóc!

Thiều, Tường, Mận - ba nhân vật thân quen với những người hâm mộ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dần hiện lên qua màn ảnh rộng một cách sống động và ngọt ngào. Nhưng đằng sau những hình ảnh tươi mát, đẹp mê hồn này là hành trình dài hơn 52 ngày đêm tại Phú Yên với lịch quay vất vả, mưa lũ và rất nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là phải đảm bảo lịch học tập đầy đủ cho các diễn viên nhí. Vì thế mà thời điểm quay phim đã được ấn định vào sau khi thi học kỳ 2 để hạn chế tối đa việc các bé bị gián đoạn việc học. Riêng Thịnh Vinh- vai Thiều, vất vả nhất khi khoảng thời gian đóng phim cũng là lúc cậu đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp 2.

 

Cảnh Thiều (Thịnh Vinh) chạy trong mưa tầm đã trở thành cảnh đẹp và xúc động nhất của phim.
Trong suốt quá trình thực hiện, có thể nói, thử thách lớn nhất của các bé chính là việc phải thể hiện được những cảm xúc đa chiều của nhân vật, đặc biệt là với các cảnh khóc. 

Vai Thiều phải khóc khá nhiều, mà cậu bé Thịnh Vinh thì thú nhận: “Em không thích khóc nên thực sự rất sợ đóng những cảnh khóc. Mỗi lần đóng các cảnh này em bị áp lực rất lớn. Ngay khi những hình ảnh của trailer được công bố, mọi người rất thích cảnh em chạy trong mưa. Đó cũng là một cảnh mà em không chỉ phải khóc mà còn phải chạy trong mưa tầm tã...”.

Nhìn cậu bé mảnh khảnh cứ phải chạy mải miết trong mưa, nước mưa hòa nước mắt, mọi người trong đoàn làm phim ai cũng lo Thịnh Vinh sẽ ngã bệnh vì dầm mưa lâu quá, nhưng may là cậu không sao. Cảnh mưa lại trở thành một trong những trường đoạn xúc động và đẹp nhất của phim.  

 

Thịnh Vinh – Thanh Mỹ - Trọng Khang đều phải đối mặt với thử thách khóc trên phim trường
Trọng Khang - vai Tường thì háo hức chuẩn bị ngay từ trước khi phim bắt đầu bấm máy. Cậu bé cho biết: “Khi biết mình được chọn vào vai Tường, em đã nhờ mẹ mua truyện để đọc và rất thích nhân vật này. Tới cảnh đó là tự nhiên nước mắt rơi ra, em không cần phải làm gì nhiều cả. Em nghĩ là đã thực sự trở thành Tường".

Còn với Thanh Mỹ - diễn viên “chuyên nghiệp” nhất trong bộ ba “thiên thần” thì những cảnh khóc không làm khó được cô bé. Chỉ cần đúng 1 lần quay là Thanh Mỹ đã nhận được cái gật đầu của đạo diễn khó tính Victor Vũ.

Có thể nói, từ 3 cô cậu bé thành thị, Thịnh Vinh, Trọng Khang và Thanh Mỹ đã khiến không chỉ đạo diễn Victor Vũ mà cả êkíp thực hiện phải ngạc nhiên khi hóa thân xuất sắc thành những cô cậu bé thôn quê nghèo ven biển. Có lẽ, chính sự hồn nhiên và những cảm xúc tinh khôi vốn có sẵn trong bất kỳ đứa trẻ nào đã làm nên sự hóa thân tuyệt vời đó. Khi nói về những diễn viên nhí, đạo diễn Victor Vũ đã không ngại dành cho các em rất nhiều lời khen tặng và khẳng định: “Các em chính là linh hồn, là những thiên thần nhỏ của 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'”./.