Cho tới tận hôm nay, chi phí dành cho việc sản xuất phim vẫn khiến những nhà sản xuất lớn tại Hollywood phải ái ngại. “Cleopatra” thường được nhắc tới một cách hài hước là “bộ phim lỗ nặng nhất trong lịch sử điện ảnh” dù rằng trong thực tế nó vẫn sinh lời cho nhà sản xuất, chỉ vì quá trình thu lại vốn quá lâu khiến nhà sản xuất phải lao đao trong suốt một thời gian dài.
“Cleopatra” (1963) |
Nếu tính theo mệnh giá đồng tiền hiện nay thì khoản đầu tư 44 triệu đô la hồi năm 1963 sẽ tương đương với hơn 300 triệu đô la tính theo thời điểm hiện tại. Khoản đầu tư khổng lồ này còn vượt xa cả khoản đầu tư vốn được cho là quá mạnh tay đối với bộ phim “Avatar” (2009) của đạo diễn James Cameron. “Avatar” với mức đầu tư 237 triệu đô la đã luôn được coi là bộ phim “tiền tấn” của điện ảnh Hollywood.
Các đạo diễn xưa nay muốn làm phim về nữ hoàng Cleopatra đều hiểu rằng một bộ phim quy mô, hoành tráng, xứng tầm với tên tuổi của vị nữ hoàng danh tiếng lẫy lừng lịch sử sẽ không thể kiệm tiền. Mỗi khi bắt tay vào làm phim về vị nữ hoàng Ai Cập này, các nhà sản xuất luôn sẵn sàng chi bạo tay, thậm chí không cần tính toán như trong trường hợp của “Cleopatra” (1963).
“Thà sản xuất một bộ phim tiêu tốn 1,5 triệu đô la để thu về 3 triệu đô la còn hơn là làm một bộ phim chỉ mất 200.000 đô la để chỉ thu về được có 400.000 đô la”, đạo diễn Cecil B De Mille - đạo diễn của bộ phim “Cleopatra” (1934) từng phát biểu gây xôn xao báo giới hồi thập niên 1930. Trong bộ phim “Cleopatra” của ông, nữ diễn viên Claudette Colbert đảm nhận vai chính.
“Cleopatra” (1934) |
Xưởng phim Fox cũng từng đầu tư 300.000 đô la, một khoản tiền lớn tính ở thời điểm năm 1917, để sản xuất một bộ phim về nữ hoàng Cleopatra, do nữ diễn viên Theda Bara thủ vai chính.
Bộ phim qua nhiều thập kỷ đã bị thất lạc, chỉ còn một số cảnh quay được lưu lại. Dựa trên những cảnh quay đó, người ta có thể khẳng định, dù ở thập niên 1910 nhưng xưởng phim Fox khi đó cũng không hề tiết kiệm chi phí để đầu tư vào phục trang và ngoại cảnh.
“Cleopatra” (1917) |
Các thế hệ nhà sản xuất phim vẫn luôn coi những tác phẩm điện ảnh làm về vị nữ hoàng này là quả trứng vàng tiềm năng. Vào năm 1945, khi cả nước Anh đang lao đao vì Thế chiến, vì kinh tế khó khăn, hãng phim Rank Organisation hiểu rằng đây cũng là thời kỳ mà người dân đang “đói món ăn tinh thần” nhất.
Bộ phim có tựa đề “Caesar and Cleopatra” ra đời với kinh phí lên tới 5,5 triệu đô la - một con số quá “khủng khiếp” để chi cho một bộ phim trong thời kỳ cả nước đang đói kém. Vào thời điểm đó, “Caesar and Cleopatra” cũng là bộ phim đắt đỏ nhất từng được sản xuất trong lịch sử điện ảnh Anh.
“Caesar and Cleopatra” (1945) |
Sự thành công của nữ diễn viên Theda Bara cùng bộ phim làm về Cleopatra sản xuất năm 1917 đã khiến hãng Fox quyết định một lần nữa đầu tư 300 triệu đô la vào bộ phim do nữ diễn viên Elizabeth Taylor đảm nhận vai chính.
Ở thập niên 1950, ông chủ của xưởng phim Fox lúc bấy giờ là Spyros Skouras tin rằng mình sẽ có thể đưa xưởng phim ra khỏi thời kỳ thâm hụt ngân sách bằng cách đánh bạc với bộ phim làm về vị nữ hoàng Ai Cập.
Fox khi đó đã chi tới 7 triệu đô la để dựng lên một phim trường lớn, tái hiện thành Rome cổ kính. Tất cả các công trình được dựng lên bằng giấy bồi một cách khéo léo khiến khung cảnh hiện lên vẫn rất nguy nga, ấn tượng.
“Cleopatra” (1963) |
Nhưng tất cả công sức đó đã đổ xuống sông xuống bể khi trường quay được đặt ở hạt Buckinghamshire, Anh. Thời tiết hay mưa ở Anh đã làm sụp đổ cả một tòa thành được dựng lên bằng giấy bồi. Ngoài ra, việc thường xuyên phải đóng phim trong cảnh mưa dầm đã khiến nữ diễn viên Elizabeth Taylor bị viêm phổi nặng và tưởng như suýt mất mạng.
Đạo diễn chính của phim - Joseph L. Mankiewicz vốn nổi tiếng với những bộ phim hài châm biếm sâu cay, hóm hỉnh thâm thúy, rõ ràng không phải là một lựa chọn sáng giá cho bộ phim sử thi cổ trang hoành tráng như “Cleopatra”.
Tuy vậy, Mankiewicz đã nhận lời làm đạo diễn để rồi sau đó rơi vào trạng thái kiệt quệ sức lực vì lo lắng. Ông thậm chí còn viết lại kịch bản trong quá trình làm phim. Nhớ lại kỷ niệm đạo diễn “Cleopatra”, Mankiewicz nói rằng đây là một bộ phim “được dựng lên trong sự hoang mang, bối rối” và kết thúc trong sự “hỗn loạn”.
Cho tới cuối đời mình, đạo diễn Mankiewicz vẫn luôn mong muốn có thể chỉnh sửa để tái ra mắt bộ phim này. Ông luôn muốn chia bộ phim ra thành hai tập, mỗi tập dài 3 tiếng để có thể khắc họa chi tiết hơn về những mối tình của nữ hoàng Cleopatra thay vì một bộ phim dài 4 tiếng như đã được thực hiện.
Một trong những chuyện hậu trường om sòm thời đó chính là mối tình “thị phi” giữa Elizabeth Taylor và bạn diễn Richard Burton trên phim trường “Cleopatra” khiến Burton ly hôn vợ để đến với Taylor. Có lẽ chính nhờ sự “phải lòng” này mà khán giả đã được thưởng thức một bộ phim tuyệt vời với những phân cảnh đẹp giữa hai diễn viên chính.
Nữ diễn viên Elizabeth Taylor và nam diễn viên Richard Burton trên phim trường “Cleopatra” (1963) |
Đã 50 năm kể từ khi bộ phim ra mắt lần đầu vào năm 1963. Vào giữa tháng 7 này, phiên bản đã qua chỉnh sửa kỹ thuật số sẽ được trình chiếu trở lại trên khắp các rạp chiếu tại Mỹ.
Ngoài ra, một bộ phim tiểu sử mới làm về cuộc đời nữ hoàng Cleopatra cũng đang được nhà sản xuất phim Scott Rudin rậm rịch đặt hàng đạo diễn Lý An với nhiều khả năng nữ diễn viên Angelina Jolie sẽ vào vai nữ chính.
Nữ diễn viên Angelina Jolie |
Đối với tên tuổi nhà sản xuất Scott Rudin, người ta có thể chắc chắn rằng nếu ông đã thực sự muốn làm một bộ phim nào, chắc chắn nó sẽ làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí và đương nhiên, cả tiền bạc của nhà đầu tư./.v