Chiến tranh là một đề tài không mới nhưng vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ mà các nhà làm phim muốn khai thác. Đã có rất nhiều bộ phim kinh điển nói về đề tài chiến tranh Việt Nam được ra đời và gặt hái không ít thành công, để lại những ký ức sâu đậm và cảm xúc dạt dào cho rất nhiều thế hệ về sau. Trong đó, không thể không kể đến “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979), “Biệt động Sài Gòn” (1986…
Sau nhiều dấu ấn đặc biệt trong thập niên 1970s, 1980s, điện ảnh Việt Nam ít dần những tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính có thể thu hút cũng như níu giữ chân khán giả. Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Thái Huyền, nữ đạo diễn 8X mà tên tuổi gắn với nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến như “Mười ba bến nước”, “Người trở về”, “Nơi ta không thuộc về”…
PV: Trên thế giới có không ít những bộ phim về chiến tranh thu hút khán giả. Còn chúng ta, ở một đất nước mà chiến tranh là một phần của lịch sử, oai hùng và bi thương nhưng lại thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh được khán giả đón nhận. Theo chị, nguyên nhân vì sao?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Thật khó so sánh một nền điện ảnh non trẻ với nền điện ảnh đã phát triển lâu đời của thế giới. Phim về đề tài chiến tranh kinh phí đầu tư lớn, khâu chuẩn bị dài hơi, diễn viên tuyển lựa khắt khe… trong khi đầu ra lại không có, kén khán giả, chỉ chiếu trong những dịp lễ lớn. Đó có thể là một trong rất nhiều nguyên nhân của sự thiếu vắng dòng phim chiến tranh hiện nay.
PV: Nhiều người cho rằng, phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam kém hấp dẫn là bởi phim làm theo kiểu tuyên truyền, khô cứng, mô típ sáo mòn và mờ nhạt: chiến tranh phải khốc liệt, nhân vật phải anh hùng…
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ đúng hơn là chúng ta đang thiếu những kịch bản hay, thiếu trầm trọng. Một kịch bản vừa thấy được tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến, vừa thấy được chiều sâu về số phận nhân vật, lại thấy thấp thoáng được hơi thở của thời đại… Quá khó đúng không?
PV: Đạo diễn Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn gì khi làm phim về chiến tranh, lịch sử?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Kịch bản hay và kinh phí đủ lớn để phục dựng những đại cảnh chiến tranh quy mô.
PV: Bao năm nay, phim chiến tranh vẫn thường được nhà nước đặt hàng. Đó có phải là nguyên nhân chính khiến phim không thế thoát khỏi lối mòn an toàn?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân là chúng ta thiếu những kịch bản hay. Kịch bản đủ hay thì cả các hãng tư nhân cũng sẽ thấy hào hứng tham gia đầu tư.
PV: Vậy theo chị, công thức làm nên thành công của một bộ phim chiến tranh là gì?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Không có công thức nào cố định cho một bộ phim thành công, phim chiến tranh cũng không ngoại lệ. Theo số đông thì sẽ nghĩ: Một kịch bản hay, một ekip tốt và kinh phí phù hợp. Nhưng ngay cả khi có cả ba yếu tố đó phim cũng không thành công thì chắc tại không hợp thời.
PV: Bất kỳ một bộ phim nào cũng là tâm huyết, công sức của đạo diễn và ê kíp làm phim. Thế nhưng, khi phát hành, phim về đề tài chiến tranh cách mạng thường không được khán giả đón nhận như những bộ phim giải trí, tình cảm…, chị có cảm thấy chạnh lòng?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Trước thì có nhưng giờ thì không. Tôi hiểu là mỗi dòng phim có sứ mệnh riêng của mình. Nếu mình đã lựa chọn thì hãy tiếp tục còn mệt mỏi và nản lòng thì bước sang một bên cho người khác tiếp bước. Điện ảnh là một dòng chảy bất tận.
PV: Chị từng nói sẽ quyết chinh phục khán giả với thể loại phim này, nhưng thực sự đó không phải là việc làm dễ dàng. Khi phải đổi mặt với những khó khăn, có bao giờ, chị nghĩ rằng mình sẽ chuyển hướng sang làm thể loại phim khác ăn khách hơn?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi làm nhiều thể loại phim cả trước đây và bây giờ. Nhưng tôi khẳng định dòng phim chiến tranh vẫn là dòng phim tôi yêu thích và theo đuổi.
PV: Có thể nhận thấy không phải người trẻ Việt không quan tâm đến lịch sử. Năm ngoái, “Những cánh én đầu tiên” thuộc series “Không chiến Việt Nam” của các sinh viên trường Đại học Duy Tân, nhận được nhiều sự quan tâm. Dưới góc nhìn của người trẻ, phim đã tái hiện rõ nét trận chiến Hàm Rồng, Thanh Hóa ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ. Vậy đây có phải tín hiệu tích cực cho những bộ phim về đề tài chiến tranh?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi tin có nhiều người làm nghề trẻ sẽ tiếp tục theo đuổi dòng phim khó nhằn này. Đề tài chiến tranh chưa bao giờ là cũ cả.
PV: Theo chị, hướng đi nào để phim đề tài chiến tranh cách mạng ở Việt Nam có thể phát triển?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ phù hợp hơn với tầm của những nhà làm công tác quản lý về văn hoá của nước nhà. Tôi chỉ là một người làm nghề và luôn tâm huyết với công việc của mình thôi.
PV: Xin cảm ơn chị./.