Đây là một trong những hoạt động để duy trì và phát huy sự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bảo tàng; đồng thời góp phần gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hoá nói riêng tại 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước: Thừa Thiên - Huế và Quảng Ninh.
Nhắc đến Quảng Ninh, người Việt Nam và bạn bè năm châu đều biết đến Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên không chỉ có vậy, mẹ thiên nhiên kỳ diệu còn ưu ái ban tặng cho Quảng Ninh một báu vật, thứ “vàng đen” được kết tinh từ hàng triệu năm: Than đá. Điều đặc biệt là tại cái nôi của những hòn than đen xù xì thô ráp, con người nơi đây đã sáng tạo nên một nghề mang giá trị cao về thẩm mỹ, đó là “Nghề điêu khắc than đá”.
Điêu khắc than đá đã trở thành nét văn hóa riêng của Quảng Ninh, được đánh giá là một nghề truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất mỏ. Cảm nhận và trân trọng giá trị của nguồn “vàng đen” quý giá, các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp, sống động với nhiều hình tượng ý nghĩa.
Như bao nghề truyền thống khác, “Nghề điêu khắc than đá” có lúc thăng, lúc trầm. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng: Bằng tình yêu với nghề truyền thống, các nghệ nhân đã và đang thổi hồn vào từng tác phẩm. Đây chính là nguồn di sản quý giá đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và thế giới.
Với hơn 100 hiện vật từ Bảo tàng và các nghệ nhân điêu khắc Quảng Ninh, trưng bày chuyên đề lần này là dịp để công chúng và du khách đến Huế có dịp chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những hình ảnh, sản phẩm có giá trị và tình yêu dành cho nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh; nêu cao tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống của đất nước.
Đây cũng là sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm đầu tiên, thể hiện sự hợp tác một cách nghiêm túc, khoa học của Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thừa Thiên-Huế và hai đơn vị bảo tàng.