Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Qua 3 đợt khai quật, Đoàn khảo cổ nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh sông Cẩm Lệ.

Di tích được người Chăm Pa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII. Các hiện vật được tìm thấy tại di tích này như tượng sư tử, bệ trụ trang trí voi, rắn thần... phản ánh nhiều mặt đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chăm Pa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, góp phần khẳng định về tinh thần tôn giáo của người Chăm Pa xưa - tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ giáo.

Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hoá Chăm còn nhiều ẩn số. Các hiện vật tìm thấy đã được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Tại lễ nhận bằng xếp hạng di tích, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị chính quyền, nhân dân phường Hoà Thọ Đông, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Văn hoá và Thể thao chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích.

Ông Lê Quang Nam cho biết: “Phải tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ phát huy các giá trị của di tích. Đặc biệt phải kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích. Nhằm quảng bá rộng rãi những giá trị tiêu biểu, độc đáo của địa điểm này cũng như giới thiệu cho du khách biết Cẩm Lệ là mảnh đất có bề dày văn hoá lịch sử, của tình người"./.