Tương truyền, tướng quân Hoàng Lục là một tù trưởng người Tày, sinh vào thế kỷ XI tại vùng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Là người tài giỏi, am hiểu sử sách, tinh thông binh pháp, 18 tuổi ông đã được cử làm thổ tù cai quản một vùng, được người dân kính trọng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt, tướng Hoàng Lục đem quân đánh vào đất Tống, đột phá nhiều thành trì, đập tan các căn cứ hậu cần phục vụ cuộc chiến xâm lược Đại Việt của giặc. Khi quân Tống tiến vào nước ta, với lối đánh du kích táo bạo, đội quân do ông chỉ huy đã đánh phá phía sau và gây tổn hao nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.
Với công lao to lớn đó, ông đã được triều đình phong là An Biên tướng quân và giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ Cao Bằng đến tận Lạng Sơn ngày nay. Để ghi nhớ công lao của vị tướng trấn giữ biên cương, khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương Lũng Đính.
Trước đây, lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức mỗi năm hai lần. Lần thứ nhất vào rằm tháng Giêng âm lịch, người dân mổ lợn, dâng rượu, xôi.. cúng lễ, cầu phúc lộc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống người dân yên lành với phần hội là các trò chơi như tung còn, múa lân, hát giao duyên. Đến mùa thu, sau khi gặt hái xong, người dân Lũng Đính lại chọn ngày tốt mổ lợn, làm xôi để dâng đền tạ ơn. Bây giờ, Lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức vào ngày 28/2 âm lịch, thu hút hàng vạn người dân Cao Bằng cùng du khách thập phương.
Ông Hà Đình Toàn, người dân xóm Đoỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nói: “Hàng năm, ngày 28/2 âm lịch bà con đến lễ rất đông, bản thân tôi nhà ở gần nên cứ vài ngày lại lên thắp hương cho ông, rồi ngày rằm, mùng một đều lên. Ông Hoàng Lục là một tướng quân trấn giữ biên cương, chúng tôi rất tự hào về ông”.
Đền Hoàng Lục nằm dưới những tán thông xanh trên đỉnh đồi Đoỏng Lình, cạnh dòng Quây Sơn, thuộc xóm Đoỏng Luông – Chi Choi, xã Đình Phong, cách biên giới Việt- Trung chừng 4 cây số. Tương truyền đây là nơi xưa kia tướng quân Hoàng Lục đắp thành, xây lũy để ngăn bước quân thù. Đền gồm 2 ngôi nhà cấp 4, diện tích chừng hơn 100m2 sắp theo hình chữ “Nhị”. Đền lợp mái ngói âm dương, vì kèo bằng tre, gỗ, tuy đã được cải tạo, thay thế nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp và cấu trúc ban đầu. Đặc biệt, ngôi đền vẫn giữ được những bức tường trình bằng đất sét như lúc xây dựng.
Chị Vi Thị Thảo, cán bộ Văn hóa xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh cho biết: “Cơ bản đền còn giữ được nguyên bản những bức tường trình này. Theo các cụ xưa kể lại, khi xây dựng người dân đã dùng đất sét trộn mật mía đường phên, đóng khuôn ván sau đó dập, nện hỗn hợp đất đó, tạo thành các bức tường xung quanh”.
Năm 2004, đền Hoàng Lục được tỉnh Cao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều năm qua, ngôi đền vẫn thu hút được du khách muôn phương đến cầu lộc, cầu tài, cầu bình an. Theo quan niệm dân gian, đền Hoàng Lục chính là một trong số “Thập vị Quan Hoàng” theo tín ngưỡng thờ Mẫu.
Anh Hoàng Quang Trung, một du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tôi đánh giá đây là một ngôi đền rất linh thiêng, từ đền đến thác Bản Giốc cũng gần chỉ khoảng 30 cây số, thuận tiện cho hành trình du lịch của mình. Hàng năm tôi cố gắng bố trí thời gian để đến thắp hương đúng ngày chính lễ, sau đó xuôi qua Thác Bản Giốc. Tôi nghĩ đây cũng là một tuyến du lịch rất hấp dẫn”.
Noi gương Tướng quân Hoàng Lục, phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ đất, giữ làng của thế hệ cha ông, những người dân Lũng Đính hôm nay đoàn kết một lòng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất mà cha ông đã khai phá, giữ gìn.
Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nói: "Nhân dân xã Đình Phong rất tự hào và biết ơn khi có vị tướng quân có công trấn ải biên cương. Phát huy truyền thống, những năm qua bà con Đình Phong luôn đoàn kết, không để xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh. Bà con đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đặc biệt là tích cực cùng nhau tham gia bảo vệ vững chắc tuyến biên giới dài hơn 7km qua địa bàn xã”.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, đền Hoàng Lục vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước. Tự hào về vùng đất gắn liền với chiến công của danh tướng người Tày Hoàng Lục- vị tướng có công trấn ải biên cương, đồng bào các dân tộc vùng biên Cao Bằng đang dựng xây vùng đất này ngày càng trở nên trù phú, thanh bình./.