Các bạn đang nghe âm nhạc truyền thống từ dàn nhạc Gamelan của Indonesia. Dàn nhạc Gamelan bao gồm rất nhiều nhạc cụ như trống, cồng, chiêng, sáo, bộ gõ, đàn dây và một số loại nhạc cụ khác. Trống đóng vai trò là bộ điều chỉnh nhịp điệu được chơi bằng cách đập tay lên mặt trống phủ da thú. Bộ cồng làm bằng kim loại được treo lên, khi chơi sử dụng thanh gõ ngắn có chức năng giữ nhịp cho bài nhạc. Trong khi đó, sáo tre đóng vai trò quyết định âm sắc. Bộ gõ Xylophone gồm 18 thanh gỗ tre/nứa đặt trên giá cộng hưởng hình chiếc thuyền, được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn để tạo ra các nốt nhạc.
Độc đáo nhất là dàn cồng gồm khoảng 10 mặt kim loại hình tròn có điểm lồi ở giữa để làm tâm đánh, được xếp trên giá gỗ. Nghệ nhân sử dụng que gõ bọc vải hoặc cao su để tạo ra các âm thanh cao đến quãng tám, dùng để mở đầu bài nhạc hoặc tạo điểm nhấn. Cuối cùng là đàn dây với hai hoặc ba dây kim loại dùng để định hướng bài nhạc và bổ trợ cho các giọng hát. Tất cả tạo nên một bản hòa âm độc đáo.
Listiana, nữ nghệ nhân trong gia đình có 3 đời chơi dàn nhạc Gamelan tại thành phố Yogyakarta, miền Trung Java của Indonesia cho biết: “Theo thời gian, dàn nhạc Gamelan phát triển, có thể được phối hợp với nhiều loại nhạc cụ khác. Âm nhạc của Gamelan ở các vùng cũng khác nhau. Chẳng hạn như ở Java, các bản nhạc thường chậm rãi, sâu lắng, trong khi nhạc Gamelan ở Bali có giai điệu nhanh, năng động và vui tươi hơn, còn nhạc Gamelan ở Lombok và Madura sử dụng sáo nhiều hơn và thiên về các giai điệu. Gamelan có thể được chơi bởi một nghệ sĩ duy nhất hoặc chơi bởi nhiều người”.
Sự xuất hiện của Gamelan có từ trước khi nền văn hóa Ấn Độ giáo-Phật giáo thống trị Indonesia vào năm 404 trước Công nguyên và đại diện cho nghệ thuật nguyên thủy của Indonesia. Mô tả về nhạc cụ hòa tấu này được tìm thấy lần đầu tại Đền Borobudur và Prambanan, miền Trung Java. Ngày nay, Gamelan đã đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân từ đảo Java, Bali, Lombok cho tới Madura của Indonesia, thường được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống khác nhau, các buổi biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc cho các điệu múa hay trình diễn múa rối của người dân xứ vạn đảo. Được chơi theo dàn nhạc, Gamelan truyền đạt các giá trị của sự tôn trọng, yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Trong triết học Java, sự hài hòa của nhịp điệu âm nhạc gamelan tượng trưng cho sự hài hòa của cuộc sống. Thời xưa, Gamelan còn được dùng để gọi các vị thần cai trị lục địa.
Với những giá trị văn hóa độc đáo và cao quý, được ví như một phương tiện biểu đạt văn hóa và xây dựng mối liên kết giữa con người và vũ trụ, nhạc cụ truyền thống Gamelan của Indonesia đã được UNESCO đã công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 15/12/2021.
Ông Nadiem Makarim, Bộ trưởng Du lịch, Kinh tế, Sáng tạo Indonesia bày tỏ niềm tự hào: “Với người dân Indonesia, Gamelan đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống và tiếp tục được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ thế kỷ thứ 5 đến nay, Gamelan liên tục được nghiên cứu, phát triển tô màu cho kho tàng nghệ thuật âm nhạc ở Indonesia. Không chỉ vậy, âm nhạc Gamelan đã truyền cảm hứng và lan tỏa sức ảnh hưởng tới nền âm nhạc thế giới. Indonesia sẽ tiếp tục bảo tồn Gamelan thông qua giáo dục và đào tạo chính quy, không chính quy, thông qua các lễ hội, diễu hành, biểu diễn và giao lưu văn hóa”.
Không chỉ ở Indonesia, Gamelan còn được biết đến từ lâu trên trường quốc tế. Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Australia và Canada đã có chương trình giáo dục nghệ thuật Gamelan. Ông Mohamad Oemar - Đại sứ Indonesia tại Pháp, Andorra, Monaco, đại diện Phái đoàn thường trực của Cộng hòa Indonesia tại UNESCO, cho biết Gamelan từ lâu đã được sử dụng như một tài sản ngoại giao. Đại sứ Indonesia cam kết tiếp tục thúc đẩy Gamelan thông qua các hoạt động khác nhau như dạy đàn Gamelan cho cộng đồng nước ngoài và giao lưu văn hóa.
Trước Gamelan, Indonesia có 11 Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận bao gồm múa rối Wayang (2008), dao Keris (2008), vải Batik (2009), Giáo dục và huấn luyện nghệ thuật Batik (2009), nhạc cụ Angklung (2010), Điệu múa Saman (2011), túi truyền thống Noken (2012), Ba thể loại múa của Bali (2015), Thuyền Pinisi (2017), Võ truyền thống Pencak Silat (2019) và Đồng dao Pantun (2020)./.