Năm 1974, Đội văn nghệ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An ra tập huấn ở Hà Nội, các nhạc sĩ Văn Dung, Thế Hùng và tôi được mời đến Trạm 66 để xem biểu diễn. Trong chương trình có bài hát “Em chọn lối này” đã chiếm được cảm tình không chỉ vì trang phục màu sắc dân tộc thiểu số mà còn ở giọng hát và tác phẩm cũng rất tuyệt vời.

Sau khi thu thanh các tiết mục để về phát trong chương trình “Khắp nơi ca hát”, chúng tôi không quên bảo An Thuyên đưa văn bản bài hát đem về cho Hội đồng duyệt nhạc ở Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) xem và có thể thu thanh thành tiết mục chính thức.

Thế rồi giọng hát Thanh Hoa đã chắp cánh cho ca khúc “Em chọn lối này”. Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ An Thuyên bay xa, bay cao từ đó.

Sau năm 1975, vợ tôi về công tác ở Đài Truyền hình Vinh (Nghệ An). Mỗi lần tôi về quê, anh chị em ở Đội văn nghệ “Tỉnh đội” đều đến chơi. An Thuyên tranh thủ chép bài hát mới và gửi nhờ tôi đưa ra cho Ban Âm nhạc của Đài TNVN.

Ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” là một trong trường hợp đó. An Thuyên đưa cho tôi và không quên nói rằng: Nếu duyệt đươc xin đề nghị nhờ chị Thanh Hoa hát. Và, nguyện vọng đó đã được đáp ứng.

Một lần nữa nghệ sĩ Thanh Hoa đã thổi hồn vào bài hát đầy tình cảm thương nhớ Bác Hồ kính yêu của toàn dân tộc. Ngay sau khi truyền đi trên làn sóng Đài TNVN rất nhiều thính giả đã gửi thư về đề nghị được nghe lại.

image001_equk.jpg
Nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Dân Huyền

Năm 1977, Đoàn Văn công Quân Khu 4 ra tập huấn ở Hà Nội, tôi lại cùng An Thuyên và các bạn diễn viên tiến hành thu thanh một số bài dân ca Nghệ Tĩnh cả lời cổ và lời mới, trong đó có bài “Trở về núi Quyết thân yêu” qua giọng hát mượt mà đầy quyến rũ của nghệ sĩ Lệ Thanh. Những tiết mục ấy đã làm giàu thêm chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, đồng thời đáp ứng được cho bà con Nghệ - Tĩnh ở trong nước cũng như đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Trước khi vào học ở Nhạc viện Hà Nội, An Thuyên thường đến chơi và ngủ lại, khi thì ở nhà tôi, khi thì nhà nhạc sĩ Thuận Yến cùng chung khu tập thể Đài TNVN (chị Thanh Hương - vợ Thuận Yến là đồng hương Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Cũng dịp này, tôi đã theo chân An Thuyên về thăm xã Quỳnh Thắng quê anh. Sau này, anh đưa vợ con ra Hà Nội, học xong anh về Phòng Văn nghệ Quân đội, rồi chuyển công tác về Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Vì bận công tác chúng tôi ít gặp nhau, nhưng thường xuyên giữ liên lạc bằng điện thoại.

Những lần bên nhau chúng tôi thường hát cho nhau nghe những tác phẩm mới nhất, kể cả hát qua điện thoại và nói đúng giọng xứ Nghệ. Phải thừa nhận An Thuyên viết nhanh, viết khỏe. Bài nào cũng đậm chất dân ca nơi địa phương mà anh đề cập đến trong nội dung.

Từ “Huế thương”, “Neo đậu bến quê” đến “Chín bậc tình yêu”, “Khi xe tăng qua miền Quan họ”, “Ca dao em và tôi”... Tất cả đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng. An Thuyên đã khéo vận dụng và hòa đồng giữa chất nhạc dân gian và hiện đại, nên các bạn trẻ đều ưa thích các tác phẩm của ông.

Riêng ca khúc “Mẹ Việt Nam anh hùng”, An Thuyên đã thành công trong hình thức hát tốp nam rất tha thiết mà vẫn khí thế. Bài hát đã động viên, vỗ về các mẹ, và lay động lòng người:

“Mẹ đã có ngàn đứa con

Mẹ đã có cả nước non

Lòng mẹ sáng, mẹ hát cùng con..."

Bài hát "Mẹ Việt Nam anh hùng" - nhạc sĩ An Thuyên (Nguồn clip: Youtube)

Hồi còn sống, nhạc sĩ Trần Hoàn (con rể của Nghệ An) đã nhận xét về An Thuyên trong cuộc họp đồng hương rằng: Đây là một minh chứng cho lực lượng trẻ của Nghệ An nói riêng, Khu 4 nói chung luôn luôn không ngừng phấn đấu vươn lên cả đôi đường Binh Nghiệp và Nghệ Thuật.

Chúng tôi những nhạc sĩ quê ở Nghệ - Tĩnh như: Hồng Đăng, Ánh Dương, Lê Hàm, Hồ Hữu Thới, Mai Hồng, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Lưu, Ngọc Thịnh, Mạnh Đạt… rất đột ngột khi nghe tin nhạc sĩ An Thuyên đã từ trần. Lòng trĩu nặng khi gọi điện thoại báo tin cho nhau. Một nhạc sĩ đồng hương xứ Nghệ không còn nữa, nhưng các tác phẩm của ông vẫn còn mãi với thời gian và trong lòng thính giả và khán giả cả nước..../.