Chương trình “Nối vòng tay lớn” do Đại học Y dược Huế kết hợp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự kiến tổ chức vào ngày 21/4 tại Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, có tới 4 ca khúc trong chương trình gồm “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” không được phép biểu diễn.

Theo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) thì 4 ca khúc này không nằm trong danh mục bài hát trước 1975 được cấp phép phổ biến. Từ trước đến nay, mọi người hát những ca khúc này đều không xin phép. Về phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chưa làm hồ sơ xin phép nên Cục NTBD không thể tự tiện lưu hành những ca khúc này.

Để đêm nhạc có thể diễn ra suôn sẻ, ngày 11/4, phía Đại học Y dược Huế đã gửi hồ sơ ra Cục NTBD để xin cấp phép. Tuy nhiên, hồ sơ thiếu chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm (gia đình Trịnh Công Sơn) hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả (Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Phía Ban tổ chức đang hoàn thiện giấy tờ.

trinh_cong_son_15_nam_17_jpg_1491894229_czik.jpg
Các ca sĩ đồng ca bài “Nối vòng tay lớ”n trong đêm nhạc tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TP.HCM tối 22/4/2016. (Ảnh: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VOV.VN chiều 11/4, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khẳng định sẽ không làm bất kỳ tờ đơn xin phép nào. Phía trường Đại học Y Dược Huế cũng đã cấp đơn xin rút phép.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) cho biết: “Nối vòng tay lớn” là đêm nhạc kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Y dược Huế, đồng thời kỷ niệm 16 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi 4 bài hát, trong đó có bài “Nối vòng tay lớn” lại không được phép diễn. Ca khúc này từng được rất nhiều người hát từ Bắc tới Nam, cũng được diễn ở rất nhiều sân khấu lớn nhỏ trong cả nước và chưa bao giờ bị cấm”.

Đại diện gia đình, ông Nguyễn Trung Trực - chồng bà Vĩnh Trinh, cũng là người trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn chia sẻ thêm: “Sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, gia đình đã tổ chức 20 đêm nhạc tưởng niệm ông. Tất cả đều được xin giấy phép đầy đủ, trong đó có 4 ca khúc này.

Mới đây nhất, trong chương trình “Nhớ Trịnh Công Sơn” diễn ra vào 1/4 ở Đường sách TP.HCM, cũng đã có giấy phép trình diễn 4 bài này do Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM cấp. Gia đình cũng hiểu rằng Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế làm đúng điều lệ nhưng cũng với 4 bài hát này, Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM đã linh động hơn khi cho phép diễn”.

Danh mục những bài hát được cấp phép biểu diễn tại TP.HCM vào ngày 1/4 vừa qua.

Ông Nguyễn Trung Trực cũng cho biết, theo điều lệ thì với một chương trình miễn phí, tổ chức trong khuôn viên trường cho sinh viên xem thì không cần phải xin phép. “Còn nếu Cục NTBD không đồng ý cho diễn những ca khúc này thì… đành chịu thôi”.

Được biết, hiện trên wesbsite của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) thì chỉ có 70 ca khúc của NS Trịnh Công Sơn được cấp phép phổ biến. Còn theo Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì có 284 bài được ủy quyền. Đây là con số nhỏ so với khoảng 700 ca khúc của NS Trịnh Công Sơn.

Trước đây, gia đình NS Trịnh Công Sơn đã có tìm hiểu về thủ tục và định đi xin cấp phép cho một số ca khúc. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép rất phức tạp. Ngoài ra, vì nhiều lý do, dẫn đến Cục NTBD không cấp phép. Từ đó, gia đình quyết định không đi xin cấp phép phổ biến nữa.

Tuy nhiên, mỗi chương trình diễn ra, gia đình đều làm thủ tục xin phép biểu diễn. Tổng số ca khúc do các Sở Văn hóa địa phương cho phép cũng phải đến 200 bài. Gia đình cũng bày tỏ mong muốn Cục NTBD cập nhật danh sách bài hát mà Sở Văn hóa trong cả nước cho phép biểu diễn, thay vì gia đình phải làm thủ tục xin phép một lần nữa./.