Ngày 3/12, Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện của Trần Quyết Lập (nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập) và Công ty cổ phần VNG có trụ sở tại quận 11, TP.HCM. Theo nội dung đơn kiện, ca sĩ Trần Lập khẳng định công ty VNG đã tự ý đăng tải bản ghi âm ca khúc “Đường đến vinh quang” do anh là tác giả lên trang web Zing Mp3 trong một thời gian dài.

Nhạc sĩ Trần Lập cho biết, từ tháng 7/2013, anh và luật sư đã thu thập những bằng chứng về sự vi phạm bản quyền của công ty VNG. Trước khi chính thức khởi kiện, Trần Lập đã thông qua luật sư để liên hệ với công ty VNG, đàm phán về việc trả thù lao nhưng công ty này từ chối.

tl_cagg.jpegCa sĩ Trần Lập

Chính vì vậy, Trần Lập đã kiện ra tòa yêu cầu đòi bồi thường tổng số tiền hơn 150 triệu đồng gồm các khoản: nhuận bút (hơn 55 triệu đồng), bồi thường lợi nhuận bị thiệt hại do không tiếp tục phát hành được album mới có bài hát này (50 triệu đồng) và chi phí thuê luật sư 50 triệu đồng.

Về phía công ty VNG, đại diện công ty này không đồng ý trả tiền bồi thường và cho rằng, dù là đơn vị sở hữu trang mp3.zing.vn nhưng những nội dung của Zing Mp3 lại là do người dùng đăng tải lên chứ không phải do công ty. Dịch vụ này là miễn phí, cũng như VNG không quản lý nội dung đăng tải.

VNG đề nghị ca sĩ Trần Lập rút đơn kiện và ký hợp đồng hợp tác với công ty. Sau phần tranh luận, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 10/12.

Đây là lần đầu tiên, một vụ việc về bản quyền tác phẩm trên mạng chính thức được ra tòa xét xử. Sự việc không chỉ đơn thuần là một trận chiến pháp lý giữa công ty VNG và Trần Lập mà câu chuyện về bản quyền tác phẩm trên mạng vẫn là nỗi trăn trở của những người làm âm nhạc chân chính.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Trần Lập cho biết: “Tôi cho rằng, đây không phải là một cuộc chiến về mặt pháp lý, về bản quyền mà chỉ là vấn đề dân sự, cần phải có kết quả thỏa đáng cho các bên. Với những người làm nhạc chân chính, vẫn còn rất nhiều vấn đề của xã hội, của thời cuộc mà chúng tôi trăn trở như chuyện đầu tư thời gian, bản quyền tác phẩm…

Lấy ví dụ, một chương trình lưu diễn phải mất cả 1, 2 tháng trời, bỏ ra rất nhiều chi phí rồi còn công sức của cả một ekip, trong khi tung ra album thì chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đã tràn lan trên mạng. Khi mà khán giả có những bản ghi âm trên mạng để nghe rồi thì họ còn mua đĩa, còn đến xem liveshow để làm gì? Không phải cứ ra album hay, hát tốt mà được khán giả ủng hộ, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến của những người phát hành”.

Trần Lập cũng cho biết thêm, câu chuyện của những người chống đối với hàng “lậu” trên mạng chính là câu chuyện của cả một xã hội, cái này logic với cái kia. Nó giống như một chuỗi mắt xích, bị kéo lệch một bánh răng thôi là xe không chạy được.

“Để chơi nhạc tốt thì phải mua sắm nhạc cụ tốt, học tập tốt, rồi sáng tạo độc đáo thì mới bán được sản phẩm của mình… Thế thì tiền ở đâu ra để nghệ sĩ làm tất cả những việc đó, trong khi, công sức của họ lại bị bán tràn lan ở trên mạng? Vụ việc không nên làm ầm ĩ nhưng đây là quyền lợi tối thiểu mà người sáng tác nên nhận được” – Trần Lập chia sẻ.

Điều đáng nói là trước Trần Lập, các ca sĩ như Mỹ Tâm, Lệ Quyên hay Đăng Khôi đều đã từng lên tiếng “nhắc nhở”, thậm chí là kiện các trang mạng, các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ… Bởi trên thực tế, việc kiểm soát môi trường kĩ thuật số đối với lĩnh vực biểu diễn, điện ảnh và âm nhạc là rất khó khăn và quyền lợi của các ca sĩ, nhạc sĩ vẫn còn chưa được đáp ứng một cách thích đáng./.