Mùa xuân là mùa cỏ cây đơm hoa nảy lộc, mùa của tuổi trẻ tình yêu hạnh phúc, của sáng tạo văn học nghệ thuật và văn hoá dân gian. Cùng với hàng ngàn lễ hội góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống của các vùng quê, các làn điệu dân ca của cả ba miền đất nước… thì nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam đã tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Từ Chèo, Tuồng, Múa rối nước, Dân ca kịch cho đến Xiếc, Cải lương, Kịch nói – đã góp phần làm cho không gian nghệ thuật ngày xuân càng lộng lẫy, rực rỡ, phong phú… như nét đẹp tâm hồn người Việt Nam, trải qua những biến động lịch sử, vẫn luôn giữu cho mình nền văn hoá độc đáo và bản sắc.
“Tháng Ba ngày Tám nằm suông
Nghe giục trống Tuồng cố lết đi xem”
Người ngồi cầm chầu cho vở hát. Ảnh: KT |
Ngót một ngàn năm qua, từ khi xuất hiện đến nay, Tuồng là một loại hình độc đáo đã khẳng định vị trí của mình trong ngôi nhà chung của nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam. Với chủ trương gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy nghệ thuật truyền thống của Đảng, Nhà nước; với hàng trăm tiết mục từ truyền thống, dân gian, huyền thoại, dã sử, lịch sử, đến cận đại và cả hiện đại; Tuồng đã đến với hàng triệu, hàng triệu lượt khán giả, không chỉ ở trong nước mà đã vượt qua biên giới của nhiều quốc gia trên thế giới, làm say lòng bao nhiêu con người cả phương Đông và phương Tây…
Với nghệ thuật gợi tả, cách điệu, ước lệ, tượng trưng; với thủ pháp xử lý thời gian, không gian mênh mông, kỳ ảo, biến hoá của cha ông, mà chỉ từ một manh chiếu sân đình, một trời khát vọng - với tài nghệ của người diễn viên đã làm cho cái không gian, thời gian ấy; lúc là con đường, rừng núi, dòng sông, thành trì cao vời vợi, lúc là thiên binh vạn mã, lúc là đêm tối mênh mông hay rực rỡ bình minh.
Những thủ pháp xử lý không gian sân khấu tuyệt vời đó, chính là biến cái không thành có; cái hư thành cái thực; biến cái hữu hạn thành vô hạn; cái cụ thể thành trừu tượng… mà chắc chắn, khi đến với nghệ thuật Tuồng truyền thống, chúng ta không thể nào quên được tiếng kêu xé ruột của nữ tướng Đào Tam Xuân, khi nghe tin chồng, con mình bị giết; và hình ảnh rực rỡ, anh hùng của Khương Linh Tá dù bị chặt đầu, vẫn hoá thành ngọn đèn dẫn đường cho Đổng Kim Lân qua đèo, thoát khỏi hiểm nguy trong Tuồng Sơn Hậu…
Chính từ cội nguồn của sân khấu truyền thống Tuồng, các thế hệ họa sĩ đương đại đã tiếp thu, học hỏi được bao nhiêu kinh nghiệm thú vị, bổ ích của các thủ pháp xử lý không gian sân khấu, cũng như đã nắm bắt được ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình trong phương pháp hoá trang các loại chân dung, tính cách nhân vật thật ấn tượng, độc đáo, tinh tế, phong phú và đa dạng…từ các loại “đào” đến các loại “kép”, từ nhân vật dân gian thật tài tình của cha ông và đặc biệt là “tiếng trống chầu”…
Trống chầu tự thân nó có âm lượng vang động, trang nghiêm, âm sắc vui tươi, rạo rực, rất hợp với khí chất của trời xuân. Ảnh: KT |
Thông thường ta ví nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật là con ngựa, nhà phê bình viết bài phê bình là cái roi ngựa. Quần chúng của sân khấu Tuồng Việt Nam tham gia phê bình sân khấu bằng cái roi trồng, nghĩa là họ dùng một loại phương tiện nghệ thuật để phê bình nghệ thuật, nói cách khác là dùng một biện pháp văn hoá để giải quyết một vấn đề văn hoá. Vừa đem lại hiệu quả tác động trực tiếp, vừa rất lịch sự.
Cố nhiên người cầm chầu của sân khấu Tuồng Việt Nam cũng am hiểu nghệ thuật không kém nghệ sĩ. Tiếng trống chầu trên sân khấu hát Tuồng là cái roi phê bình, rất trực tiếp, rất thiết thực, càng không phải là thứ phê bình suông. Vì là phương tiện phê bình có hiệu quả như vậy, thiết tưởng cũng nên bàn một ít về cái luật của tiếng trống chầu.
Để mở đầu buổi diễn, người cầm chầu đánh nhẹ trên mặt trống một tiếng dằn roi trống thành tiếng rung kèm theo, nghe ra thùng rụp – tín hiệu hỏi bên trong sân khấu chuẩn bị xong chưa?
Từ bên trong sân khấu, tiếng trống của dàn nhạc liền đáp lại bằng tín hiệu cờ rụp, có nghĩa là xong rồi. Hai lần hỏi đáp như thế rồi tiếng trống chầu nổi lên thúc giục diễn viên ra sân khấu, gọi là trống khai trường. Trống khai trường đánh theo mùa, buổi diễn thuộc về mùa xuân thì đánh ba tiếng, mùa hạ thì đánh chín tiếng, mùa thu thì đánh bảy tiếng, mùa đông thì đánh hai tiếng. (Theo nguyên văn tài liệu về phép đánh trống: “Xuân tam, hạ cử, thu thất, đông nhị”). Vừa dứt tiếng trống cuối cùng thì dàn nhạc sân khấu hát Tuồng nổi lên chuẩn bị không khí buổi diễn cho người xem và cho diễn viên. Và như các bạn từng nghe bản “nhạc rao” của nhạc Tuồng không cần nhiều nhạc cụ mà rạo rực, rộn rã, thúc giục lòng người ngang âm lượng của một giàn nhạc lớn.
Nghệ sĩ Văn Thủy trăn trở với nghệ thuật Tuồng
Người cầm chầu hát Tuồng thực hiện ba chức năng đó bằng các loại roi trống: Roi trống mở miệng (Dùng trong trường hợp diễn viên vừa ra sân khấu chuẩn bị mở miệng hát); Roi trống chấm câu (Dùng trong trường hợp mượn roi trống thay cho bút son để chấm mạch văn trong câu thơ và từng câu thơ); Roi trống điểm khuyên (dùng trong trường hợp khen giọng hát hay, diễn xuất giỏi, động tác đẹp…giống như cây bút son của thầy đồ ngày xưa chấm bài vậy. Còn phạt thì không đánh trống mà chỉ gõ vào vành trống); Roi trống vớt hơi (Dùng trong trường hợp vì đuối sức mà diễn viên ấy bị hụt hơi hát chưa thật hay sẽ được động viên. Diễn viên nào gặp được roi trống này thì đang mệt bỗng hoá ra khoẻ).
Dù sử dụng loại roi trống nào người cầm chầu cũng phải đảm bảo nguyên tắc duy nhất là không được đánh trống chồng lấp lên lời tuồng và luyến láy của giọng hát. Chính vì là phương tiện thưởng thức nghệ thuật cho nên ngay trong từng roi trống đều toát ra cái thần của hiệu quả thưởng thức, như cái thần trong nét bút của hoạ sĩ, chẳng những gây hứng thú đối với người xem mà giúp người nằm nhà nghe tiếng trống có thể phán đoán chính xác buổi diễn hay hoặc dở, vai nào xuất sắc vai nào còn kém.
Trống chầu tự thân nó có âm lượng vang động, trang nghiêm, âm sắc vui tươi, rạo rực, rất hợp với khí chất của trời xuân. Mùa Xuân mới, Tết Âm lịch cổ truyền đã hoà cùng tiếng trồng Tuồng, hoà cùng không gian nghệ thuật Tuồng độc đáo, viên ngọc quý trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam, và lại được dóng lên, hoà nhịp vào công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước. Với vẻ đẹp tuyệt vời trong xử lý không gian sân khấu, nghệ thuật Tuồng đã vượt qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, để tồn tại tươi xanh mãi mãi đến hôm nay./.