1_resb.jpg

Nhắc đến dòng nhạc Bolero hay còn gọi là nhạc sến, người yêu nhạc chẳng thể nào quên được Ngọc Sơn. Anh là tác giả của nhiều ca khúc Bolero nổi tiếng, đồng thời giọng hát ngọt ngào nhưng lại day dứt của anh cũng được nhiều người xưng tụng là “Ông hoàng nhạc sến”.

Sau 25 năm, Ngọc Sơn mới được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong đêm nhạc “Tình xuân Bolero”, diễn ra vào tối 1/1. Có lẽ chính vì thế mà nam ca sĩ đã không kiềm được cảm xúc, để thể hiện những nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc trong sự ủng hộ của khán giả.

Ngọc Sơn hát như dứt ruột, như phơi bày hết con người mình, như luôn thăng hoa trên sân khấu với những ca khúc như “Vầng trăng cô đơn”, “Lòng cha”, “Tình mẹ”… Đặc biệt là những ca khúc tiền chiến về Hà Nội như một lời tri ân khán giả như “Hà Nội niềm tin và hi vọng”, “Em ơi Hà Nội phố”…

Trong suốt chương trình, rất nhiều lần Ngọc Sơn được khán giả yêu cầu hát lại ca khúc. Tiếng vỗ tay vang dội khắp các khán đài dù trong ngày đầu năm mới khiến anh rơi nước mắt. Dù đến khi chương trình kết thúc vào lúc 12h đêm, khán giả vẫn muốn ở lại để nghe Ngọc Sơn hát thêm.

Ngọc Sơn tâm sự, kể từ sau khi cha mất, anh bị cú sốc lớn về tinh thần. Sự cô quạnh và thiếu hụt tình cảm khiến Ngọc Sơn sống trầm lặng hơn. Anh lao vào sáng tác, như âm nhạc là sự cứu rỗi, xoa dịu về tinh thần. Sau 25 năm, anh mới được hát lại cho khán giả Hà Nội, bởi thế đêm nhạc này mang rất nhiều ý nghĩa với Ngọc Sơn.

Bên cạnh đó, đêm nhạc “Tình xuân bolero” còn quy tụ bốn giọng ca nữ gạo cội của dòng nhạc trữ tình quê hương là Giao Linh, Hương Lan, Phương Dung và Sơn Tuyền. Ảnh: Nữ ca sĩ Hương Lan thể hiện chất giọng mềm mại, ngọt ngào với những ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Tình hoài hương”, “Chiếc áo bà ba”…

Sơn Tuyền được biết đến là em gái của danh ca Thanh Tuyền. Cô là ca sỹ cùng thời với Ngọc Sơn, âm nhạc và nghiệp cầm ca đến với cô như một cái duyên. Sơn Tuyền chinh phục khán giả bởi giọng ca bolero mùi mẫn và sang trọng trong “Chuyện tình La Lan”, “Mưa nửa đêm”, “Tình là gì”.

Giao Linh được xưng tụng là “Nữ hoàng sầu muộn” do tiếng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn của bà. Trong đêm nhạc “Tình xuân Bolero”, nữ ca sĩ thể hiện “Ai khổ vì ai”, “Không bao giờ quên anh”, “Sầu lẻ bóng”.

Từ khi trở về Việt Nam năm 2000, Giao Linh vẫn tiếp tục phục vụ khán thính giả yêu nhạc khắp mọi nơi. Bà còn tham gia các hoạt động từ thiện để trợ giúp đồng bào.

“Nhạn Trắng Gò Công” Phương Dung nổi tiếng với hơn 300 album đã được thu âm. Lần biểu diễn tại Hà Nội này, nữ ca sĩ thể hiện những ca khúc mình yêu thích như “Sương lạnh chiều đông”, “Về đâu mái tóc người thương, “Nỗi buồn gác trọ”, “Hoa nở về đêm”.

Đặc biệt, Giao Linh và Phương Dung hòa giọng với nhau trong ca khúc “Hai lối mộng”.

Ngoài các khách mời đặc biệt, đêm nhạc còn có sự góp giọng của ca sĩ Tuấn Vỹ với ca khúc “Anh cho em mùa xuân”.

Tuấn Vỹ là học trò của nữ danh ca Giao Linh. Chính vì thế, cả hai đã cùng song ca “Anh biết em đi chẳng trở về” và “Sầu tím thiệp hồng”.

Nữ ca sĩ Tú Uyên, cháu gái của nữ ca sĩ Hương Lan góp giọng với “Thì thầm mùa xuân” và “Ước hẹn”.