Mấy chục năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật này, NNƯT Hoàng Vũ đã truyền dạy cho biết bao thế hệ, đồng thời, có nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận nội dung về đờn ca tài tử đăng trên các tạp chí.
NNƯT Hoàng Vũ ở cuộc sống thường ngày. |
NNƯT Hoàng Vũ, tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1958, tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Gia đình có truyền thống đờn ca tài tử, cha ông công tác trong đoàn văn công huyện, nên từ nhỏ ông đã bị hút hồn bởi những ngón đàn, tiếng hát của các bậc cha, chú. Được gia đình đồng ý, năm 1973, ông theo học đờn, học ca tại lớp của nghệ nhân Bùi Tấn Quới, người vừa sáng tác, vừa sử dụng được ba loại nhạc cụ (kìm, cò, guitar phím lõm).
Sau 2 năm học đờn ca cùng người thầy giỏi, NNƯT Hoàng Vũ chính thức trở thành nhạc công cho đoàn văn công xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đến năm 1979, ông về công tác tại Kiên Giang, lúc này phong trào đờn ca tài tử của tỉnh rất hạn chế, nên ông tự mình tìm các nhóm để sinh hoạt.
Lớp học đờn ca tài tử tại nhà NNƯT Hoàng Vũ. |
Trong quá trình sinh hoạt đều đặn, trau dồi chuyên môn qua từng năm, NNƯT Hoàng Vũ bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc tài tử qua các tư liệu: cổ nhạc tấm nguyên, Trần Ngọc Thạch, Nhị Tấn, Minh Nhường… Đồng thời, với quyết tâm tập hợp những người cùng chung sở thích với mình, ông đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang ủng hộ và đứng ra “đỡ đầu” việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử Phù Sa Kiên Giang vào năm 2011, gồm các nghệ nhân tên tuổi: Hoàng Thắng, Thành Đặng, Lý Ngoan, Hữu Nghĩa… chủ yếu tập trung nghiên cứu, thực hành bài bản tài tử.
Nhiều lần dự thi ở các cuộc thi lớn nhỏ, đạt được thứ hạng cao, như: Giải A Liên hoan đờn ca tài tử khu vực phía Nam; Giải nhì cuộc thi Hội ngộ tài tử phương Nam do Đài Tiếng nói nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức; Giải ba khi xây dựng chương trình dự thi Truyền hình Nam sông Hậu… CLB Phù Sa đã tạo được tiếng vang trong và ngoài tỉnh. NNƯT Hoàng Vũ cho biết: "Trong quá trình hoạt động thì tất nhiên mình cũng va chạm nhiều. Giao lưu với những bạn bè, những người tri âm, tri kỷ ở nhiều nơi, mình rút ra những kinh nghiệm, nghệ thuật này chúng ta đi sâu chừng nào thì chúng ta đam mê chừng đó. Đam mê nên mới có tâm huyết. năm 2013 thì chuyển CLB Phù Sa sang trực thuộc phòng Văn nghệ Đài PT – TH Kiên Giang".
Nghệ nhân Hoàng Vũ được phong tặng danh hiệu NNƯT vào tháng 7/2019. |
Không dừng ở việc phục vụ nhân dân về đờn ca tài tử, năm 2012, CLB Phù Sa kết hợp với Trường nghiệp vụ văn hóa Kiên Giang, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh mở lớp dạy đờn ca tài tử - cải lương, có 27 học viên tham dự, và đây cũng là những học trò đầu tiên mà NNƯT Hoàng Vũ truyền nghề. Với sự đầu tư bài bản và chăm chỉ luyện tập, nhiều học viên dưới sự truyền dạy nhiệt tình của ông đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã dạy cho hơn 50 học viên, có người không chỉ học một khóa mà cứ tham gia học nâng cao thêm.
Nghệ nhân Huỳnh Thị Thùy Quyên, học trò của NNƯT Hoàng Vũ, hiện sinh hoạt tại CLB đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Khi theo học, chú chỉ dạy rất tận tâm, từ những điều mình chưa biết, chú dạy từng câu, ca từng chữ, đến lúc ca được nguyên một bài thì bản thân thấy rất thú vị:"Từ cái mình không biết gì mà giờ mình đã ca được vậy làm cho mình rất phấn khởi trong lòng và càng đam mê nghề đờn ca tài tử. Mình càng muốn cho nó phát triển, càng muốn cố gắng học giỏi hơn, nên quyết tâm rất là cao độ"
Năm 2018, NNƯT Hoàng Vũ chính thức trở thành chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang. CLB quy tụ chủ nhiệm các CLB đờn ca tài tử ở huyện, xã trên địa bàn. Kế hoạch phát triển đờn ca tài tử từng tháng khi họp CLB, đã giúp phong trào tại địa phương lớn mạnh, các thành viên tham gia sinh hoạt ở huyện, xã, dần nắm được nhạc lý hơi điệu, mạnh dạn hơn khi ca diễn.
Theo ông Nguyễn Thiện Cẩn, Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang: NNƯT Hoàng Vũ ngoài có công trong việc truyền nghề cho những người đam mê đờn ca tài tử, ông còn là người sáng tác lời ca mới để đưa bộ môn nghệ thuật đến gần hơn với công chúng: "Có thể nói từ mấy năm nay, anh Ba Vũ viết lời mới cho đờn ca tài tử rất là nhiều. Những bài ca đó được anh em học và trình diễn trong các hội thi, hội diễn, góp phần vực dậy phong trào đờn ca nói chung và đờn ca tài tử nói riêng".
Các thành viên CLB đờn ca tài tử Kiên Giang trong một lần họp. |
Tình đến nay, NNƯT Hoàng Vũ đã sáng tác mới lời ca tài tử khoảng hơn 20 tác phẩm, nhiều tác phẩm đạt giải sáng tác mới tại các cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử và phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng. NNƯT Hoàng Vũ chia sẻ: Trong công cuộc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, việc sáng tác lời mới rất quan trọng, sẽ làm mình hứng thú và người nghe dễ tiếp nhận: "Bảo tồn, phát triển mà không có lời mới thì cũng không thành công. Chúng ta viết những lời mới như vậy nó đi sâu vào quan điểm của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân. Chúng ta phải cải tiến một bước nào đó để đẩy phong trào đi lên, nhưng mà cũng không quên nguồn cội, nguồn gốc hệ thống bài bản tài tử, làm như thế mới đem lại hiệu quả".
NNƯT Hoàng Vũ cùng các nghệ nhân, thầy đờn trong một buổi diễn ngoài trời. |
45 năm theo nghiệp đờn ca, NNƯT Hoàng Vũ đã có 10 tác phẩm nghiên cứu lý luận nội dung về nghệ thuật đờn ca tài tử đăng trên tạp chí Chiêu Anh Các, Tạp chí văn hóa, Tạp chí truyền hình và báo Kiên Giang. Quá trình nghiên cứu của ông sẽ không dừng lại, như ông nhận định: “Đờn ca tài tử là người bạn tri âm, tri kỷ của cuộc đời mình”. Với những cống hiến cho bộ môn nghệ thuật dân tộc, cùng cách sống trọn chữ tâm, chữ tài, vững đạo đức nghề nghiệp, NNƯT Hoàng Vũ mãi được giới mộ điệu, đồng nghiệp và giới trẻ trân trọng, quý mến, cùng chung tay bảo tồn, phát triển bộ môn đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.