Nước Nga rộng lớn với nhiều miền quê khác nhau luôn rộn ràng trong những mùa lễ hội bởi tiếng đàn, tiếng hát đậm chất dân gian… Những chàng trai, cô gái trong các sắc phục dân tộc trình diễn những bài hát, điệu nhảy dân gian… vốn đã trở nên quen thuộc, nhưng có những nhóm hát lại chỉ toàn những người lớn tuổi mà vẫn cuốn hút du khách, cuốn hút cả người dân thường ở nước Nga. Ở thành phố Skopin, tỉnh Ryazan cũng có một nhóm hát như vậy.
Nhóm hát Dân gian "Starinushka" trong một lễ hội của TP Skopin. |
Đã nhiều lần, đáp lại lời mời đầy nhiệt tình xen lẫn niềm tự hào về quê hương mình của bà Albina Egorova, Phụ trách chi nhánh Skopin của Tổ chức xã hội Nga mang tên “Những người phụ nữ thành phố chúng ta”, chúng tôi về thăm thành phố Skopin trong những dịp lễ hội rất đặc biệt.
Đó là “Liên hoan Quốc tế Gốm sứ Gontrarov” (diễn ra hồi tháng 8 năm nay), kỷ niệm tròn 75 năm thành được phố giải phóng khỏi sự xâm lược của phát-xit Đức (mới diễn ra cuối tháng 11 vừa qua). Và với mỗi dịp như vậy, chúng tôi lại được chứng kiến một thành phố được coi là “Góc đẹp của nước Nga” (tên 1 tác phẩm văn học của nhà văn đương đại Nga nổi tiếng Nga, Zakhar Prilepin, người con của Skopin), chương trình biểu diễn của một dàn hợp ca gồm toàn những ông bà đã cao tuổi… Họ vẫn hồn nhiên, sôi nổi trong một lễ hội dân gian mang tính “đường phố” cất lên những giai điệu đậm chất truyền thống của quê hương. Họ cùng đứng trong một dàn hợp xướng của chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử… Họ chính là những thành viên của nhóm đồng ca mang tên “Những người cao tuổi” (Starinushka).
Bà Elena Nikolaievna, một thành viên tích cực của nhóm đồng ca, có cả chồng cùng tham gia, vui vẻ giới thiệu với chúng tôi về nhóm: “Nhóm hát của chúng tôi có tên là “Những người cao tuổi”(Starinushka) tập hợp những người đã từng là lính, là cán bộ, nhân viên công tác trong mọi lĩnh vực, ngành nghề như giáo viên, bác sỹ, công nhân, viên chức… sau khi đã nghỉ hưu. Chúng tôi vui mừng tham gia biểu diễn trong những dịp lễ hội lớn để giới thiệu những bài dân gian, những nét văn hóa của dân tộc Nga với bạn bè, với du khách và đặc biệt là các thế hệ trẻ hôm nay.”
Nhóm đồng ca “Những người cao tuổi” thành phố Skopin được thành lập vào năm 1995 với một trong những người khởi xướng là bà Taisa Butina. Bà từng là một cựu chiến binh với rất nhiều huân, huy chương cho những thành tích xuất sắc trong thời trận mạc và sau này là những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa.
Nói về người “thủ lĩnh” một thời của nhóm, cũng là nói về sự lớn mạnh của nhóm, bà Antonina Diatrkova, hiện là Trưởng nhóm khẳng định: “Năm nay bà Taisa đã ngoài 90 tuổi rồi, nhưng bà vẫn luôn theo sát chúng tôi. Bà là người thành lập nhóm này ngay từ những ngày đầu và đã làm rất nhiều cho chúng tôi. Nay, bất cứ lúc nào chúng tôi biểu diễn mà cần sự giúp đỡ của bà, bà vẫn sẵn sàng … Bà là người như vậy”.
Với những con người đầy nhiệt huyết, có chung tình yêu với các sáng tạo nghệ thuật của quê hương, đặc biệt là những giai điệu dân ca…., với những hoạt động thực sự có hiệu quả, chỉ 6 sau khi năm thành lập, đến năm 2001 tập thể lao động nghệ thuật này đã được chính thức tôn vinh và tặng danh hiệu “Nhân dân”. Trưởng nhóm, bà Antonina Diatrkova được tặng “Huy hiệu danh dự”. Nhà hoạt động văn hóa, Công huân Victor Ivanov là người chuyên hòa âm, chỉ đạo nghệ thuật cho dàn đồng ca cũng được nhận những phần thưởng cao quý.
Không chỉ biểu diễn ở quê hương, nhóm “Những người cao tuổi” còn tham gia các hoạt động giao lưu, hội diễn và đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong Liên bang Nga và họ cũng đã giành được không ít những giải thưởng cao…. Trong phòng truyền thống ở Nhà văn hóa thành phố, những tấm bằng khen, những giải thưởng lớn mà họ giành được trong nhiều cuộc thi chuyên nghiệp cho thấy thành công mà họ đạt được không ít.
Thành viên của Nhóm hát Dân gian "Starinushka" gửi tặng khán, thính giả VOV một bài dân ca Nga. |
Bà Nadezhda Sharokina, một cán bộ của Nhà Văn hóa Thành phố đã chứng kiến nhiều chương trình biểu diễn rất thành công của nhóm hát này tại Nhà văn hóa mà bà từng phụ trách, bày tỏ niềm ngưỡng mộ, niềm cảm mến dành cho nhóm nhạc “Starinushka”: “Những người tham gia nhóm “Starinushka” thường hoạt động ở Cung Văn hóa của chúng tôi, họ là những người yêu những bài hát dân gian, bài hát cổ xưa. Và có thể nói đó là một hiện tượng tuyệt vời, hiếm có trong cuộc sống của thành phố chúng tôi. Họ hát các bài hát trên một nền tảng rất quý là văn hóa của chúng tôi. Và khi nhìn họ, những người tham gia nhóm hát mặc quân phục với những tấm huân, huy chương thời Chiến tranh Vệ Quốc… quả thực là trong tôi trào dâng một niềm cảm mến thực sự”.
Chương trình biểu diễn của “Những người cao tuổi”, bên cạnh những làn điệu dân ca “rất Nga”, họ còn thường chọn những bài hát của các nhạc sỹ Xô-viết như Novikov, Averkin, Popov, Tukhmanov, Movsesyan và những bài dân gian tự sáng tác về mảnh đất Skopin… Và, vào những dịp lễ lớn như “Họp mặt Giáng sinh”, “Chào đón năm mới”, “Tiễn mùa Đông”, “Ngày của người cao tuổi”… hay những lễ hội của riêng vùng quê này như “Tâm hồn không già của các cựu chiến binh”, “Mùa thu vàng của cuộc đời”… những giai điệu dân ca Nga, những ca khúc mang đậm “chất lính” lại vang lên như mời gọi, như gợi nhớ…
Những bài hát đậm chất dân gian Nga, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình cảm của những người dân của một thời xa xưa, một thời trận mạc, một thời hào hùng… là những chủ đề chính trong các chương trình biểu diễn của họ. Cùng với đó là những trang phục truyền thống rất Nga luôn gắn bó với Nhóm gồm những ông, những bà đã ở tuổi khá cao này.
Họ vẫn thường say sưa cùng hát những bài hát dân ca, những bài về thời Chiến khi có dịp tụ hội với nhau. |
Không chỉ biểu diễn trước công chúng, bất cứ lúc nào có cơ hội, họ lại tụ hội với nhau bên những bàn tiệc giản dị mà ấm cúng trong không khí của một gia đình để cùng nâng cốc chúc nhau sức khỏe và sau đó lại là những bài hát cùng ngân vang. Và như lời giới thiệu của họ, nhóm hát dân gian “Starinushka” sẽ không bao giờ ngừng hoạt động, bởi thay thế những thành viên đã quá lớn tuổi sẽ lại có những thành viên mới gia nhập khi họ cũng đến tuổi nghỉ hưu và cùng muốn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của quê nhà. Tất cả họ đều chung một mong muốn những bài ca, những truyền thống dân gian sẽ được truyền lại cho các thế hệ con cháu, cho mọi người dân của quê hương được thưởng thức, được trở về với hồn cốt của dân tộc Nga thân thương. /.