Cùng với sự phát triển của đời sống - xã hội, âm nhạc đang ngày càng có sức lan tỏa hơn trên toàn thế giới. Sức nóng của thị trường âm nhạc vẫn không hề giảm nhiệt khi những “hiện tượng” âm nhạc liên tục xuất hiện, tạo nên những trào lưu làm cả thế giới phải choáng ngợp. “Số phận” của âm nhạc thế giới đã và đang trôi về đâu? Những người yêu nhạc trên thế giới đang đưa mình đi theo con đường nào?

Tiêu chí giải trí là số 1

Phải thừa nhận rằng lý do đầu tiên người ta tìm đến âm nhạc là để giải trí, nhưng bên cạnh đó còn là để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Tính nghệ thuật ở đây được hình thành từ giọng hát, cách chơi nhạc cụ cho đến việc sản xuất tác phẩm âm nhạc đó. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những ca khúc “nghe cho vui tai” lại có khả năng gây sốt hơn cả những sản phẩm âm nhạc kỳ công, mạng đậm chất nghệ thuật. Từ “Gangnam Style” của Psy với điệu nhảy ngựa vui nhộn cho đến những anh chàng vô danh Macklemore và Ryan Lewis trong “Thrift Shop” và sau đó là “Harlem Shake” của Baauer. Những tác phẩm này đều là những bản nhạc vui nhộn, đọng lại ở người nghe không gì nhiều hơn ngoài tính giải trí.

thrift-shop1.jpg
Những anh chàng vô danh Macklemore và Ryan Lewis trong “Thrift Shop”

Ai đó đã kêu ca rằng Taylor Swift ngày càng đánh mất chất “country” trong âm nhạc của mình và One Direction chỉ là những thằng bé siêu quậy. Sử dụng những chất liệu điện tử để đánh vào tai người nghe dường như đang là một cách hữu hiệu nhất gia tăng tính giải trí cho các ca khúc.

Nghe theo phong trào

Cách nghe nhạc này đã tồn tại từ rất lâu và sẽ không có một điểm dừng nào trong tương lai. Tuy nhiên, phong trào mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là trào lưu từ cộng đồng mạng. Khi mà việc đếm lượt xem trên kênh YouTube ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa đánh giá sự thành công của mỗi ca sĩ thì những cuộc đua tăng “views” ngày càng nở rộ. Thêm vào đó, xu hướng chia sẻ âm nhạc trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter phần nào tác động đến xu hướng chọn nhạc để nghe của mỗi người. Sự lây lan trong cộng đồng mạng tạo nên những làn sóng khổng lồ, đưa hàng loạt các ca khúc trở thành “hit"...bự. Và nếu như bạn chưa nghe một ca khúc nào đó trên YouTube có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu lượt xem, rất có thể bạn sẽ bị đánh giá là... lạc hậu.

"Gangnam Style" biểu diễn tại lễ trao giải MTV Video Music Awards 2012

Trong thời kỳ nở rộ của Gangnam Style, có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ sự ảnh hưởng “nặng nề” của ca khúc này đến công chúng. Từ những em bé tiểu học không biết tiếng Hàn bập bẹ hát “ộp pa Gangnam Style” cho đến những ngôi sao nổi tiếng thế giới như Britney Spears cũng học đòi nhảy ngựa. Rồi khi lễ trao giải âm nhạc danh giá thường niên  MTV Video Music Awards 2012 diễn ra, chàng béo Psy cũng đã nghiễm nhiên xuất hiện trên sân khấu như một vị khách mời đặc biệt nhất của buổi lễ. Đến ngay cả những người có hiểu biết sâu sắc về âm nhạc còn bị kéo theo những trào lưu “gây sốt” như vậy liệu rằng công chúng có thoát khỏi xu hướng đó?

Truyền thông chi phối

Các phương tiện truyền thông luôn có sức mạnh to lớn trong việc truyền tải những tác phẩm âm nhạc đến với công chúng. Những trào lưu và xu hướng nghe nhạc của giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự định hướng của các phương tiện truyền thông này. Đằng sau sự thành công của Gangnam Style, Harlem Shake hay cuộc đổ bộ vào nước Mỹ của nhóm nhạc trẻ One Direction là sự cổ vũ rầm rộ của báo chí. Chính sự “ưu ái” đặc biệt này của truyền thông góp phần nhóm lửa cho những cơn sốt không biết từ đâu mà đến.

Baauer

Mới đây, khi bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất nước Mỹ - Billboard đưa ra cách tính điểm mới cho các ca khúc trong Hot 100 đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra mà phần lớn là không ủng hộ. Bên cạnh việc kích thích công chúng nghe/xem những sản phẩm âm nhạc có bản quyền trên YouTube, Billboard đã vô tình cổ súy cho cách nghe nhạc theo phong trào. Sẽ có bao nhiêu người tìm nghe những ca khúc ở bét bảng xếp hạng thay vì khám phá “Harlem Shake” đang chễm chệ ở vị trí quán quân?Những cơn sốt hay trào lưu trong làng nhạc luôn giúp hâm nóng lại và đưa âm nhạc tiếp tục phát triển. Sự phát triển ấy có đi đúng hướng hay không, có thực sự mang lại giá trị nghệ thuật đích thực hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quyền lựa chọn là ở mỗi nghệ sĩ, mỗi người nghe nhưng xin đừng tôn vinh những thứ không xứng đáng trên đỉnh cao của danh vọng./.