Có một nhạc sĩ mà tên tuổi cũng như những tác phẩm của ông đã in sâu trong lòng công chúng mấy chục năm qua, từ những ca khúc ngợi ca lãnh tụ như: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác…hay những ca khúc viết về người lính như: Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Mỗi bước ta đi… đến những bản tình ca da diết như: Tình yêu không lời, Khát vọng, Chia tay hoàng hôn… tất cả đều mang dấu ấn riêng biệt trong đời sống âm nhạc đương đại – Đó là nhạc sỹ Thuận Yến, người vừa về cõi vĩnh hằng ở tuổi 83.

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết ngay những bài hát động viên thanh niên lên đường chiến đấu như: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh... Với cây đàn ghi ta, ông đã rong ruổi cùng các chiến sĩ, các đoàn quân dọc các chiến trường, trong đó đặc biệt là chiến trường Bình Trị Thiên khốc liệt.

ns-thuan-yen.jpg
Sự ra đi của nhạc sĩ Thuận Yến là tổn thất lớn đối với nền âm nhạc nước nhà

Có lẽ, với xuất thân là một người chiến sĩ, người làm công tác âm nhạc trong khi đất nước đang có chiến tranh nên không khó để lý giải vì sao ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về người lính sâu đậm, chân thực và cảm động đến vậy. Ông là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất, trong đó, 2 bài hát: Bác Hồ một tình yêu bao la và Miền Trung nhớ Bác đã được giải thưởng Nhà nước năm 2001. 
Nói về phong cách âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Bản thân ông là người con miền Trung nên những giai điệu, hơi thở âm nhạc cũng luôn luôn lấy từ âm hưởng dân ca, âm hưởng của những làn điệu hò, ví, bài chòi ở liên khu 5. Ông là một trong những người viết ca khúc rất nổi tiếng và sung sức, với phong cách một người lính, một người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp thì ông được những lứa tuổi lớn hơn, hay cũng lứa tuổi như các đồng nghiệp, đồng ngũ và đặc biệt được giới trẻ kính trọng".

Đặc biệt, trong thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam trên cương vị Trưởng ban Âm nhạc (nay là Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3), nhạc sĩ Thuận Yến có cơ hội đi nhiều, viết nhiều, tiếp cận nhiều mặt đời sống để có những tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp như: Gửi em ở cuối sông Hồng, Tình yêu không lời,…

Theo nhạc sĩ Cát Vận, người làm việc lâu năm với nhạc sĩ Thuận Yến tại Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ hội làm việc tại một cơ quan thông tin đại chúng lớn đã phả vào trái tim ông một nhiệt huyết cháy bỏng với đất nước. Cũng tại đây, khán thính giả cả nước mới thấy một Thuận Yến nhiệt huyết, luôn trăn trở với nền âm nhạc nước nhà. Dẫu ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp, công việc quản lý, sáng tác bề bộn nhưng nhạc sĩ luôn dành thời gian cho sáng tác mới của lớp nhạc sĩ trẻ. Mỗi tác phẩm gửi đến, ông đều dành thời gian, tâm huyết góp ý, xây dựng và tạo điều kiện đưa tác phẩm đến với công chúng. 
Nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ: "Nhạc sĩ Thuận Yến là một con người tâm huyết, tài năng và là một gương mặt tiêu biểu của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đó là một con người sống rất cởi mở, luôn đề cao tính nhân văn. Tính cách của ông không chỉ được anh em đồng nghiệp quý mến mà cả những người từng có cơ hội tiếp xúc với ông đều trân trọng. Trong ông luôn có sự độ lượng, nhân ái. Thấy ông là thấy một nụ cười hiền hòa, nhân ái trên môi".
Không chỉ vậy, cái tâm, cái tình của nhạc sĩ Thuận Yến còn thể hiện ở việc ông sẵn sàng chỉ dạy từng làn điệu, câu hát cho các ca sĩ. Nhạc sĩ Thuận Yến không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca khúc, mà ông còn rất thành công với những tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp như: bản Sonate - Tự nguyện, giao hưởng - Khúc ruột miền Trung… Đây là những tác phẩm không lời thể hiện trình độ, tài năng âm nhạc của người nghệ sĩ. 
Bên cạnh đó, với cá tính sáng tạo của một người nghệ sĩ tài hoa, dù đã lớn tuổi nhưng nhạc sĩ Thuận Yến luôn luôn tìm tòi, đổi mới và tiếp cận với đời sống âm nhạc. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi làn sóng âm nhạc trẻ với tư duy mới, tiết tấu mới xuất hiện thì ông cũng có sáng tác mới tiêu biểu như: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời… Ở đó, khán thính giả dường như thấy có một Thuận Yến mới, một Thuận Yến tràn đầy sức trẻ, tràn đầy lạc quan. Tác phẩm của ông luôn có một đời sống nhất định và đây là điều các nhạc sĩ hiện nay luôn ao ước. 

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Thuận Yến đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam. Những sáng tác của ông đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Mặc dù, nhạc sĩ đã đi xa nhưng ông đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc vô giá, bền bỉ với thời gian./.

Lễ viếng nhạc sĩ Thuận Yến sẽ diễn ra từ 10-12h30 phút ngày 27/5, lễ truy điệu được tổ chức lúc 12h30 phút tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Hà Nội.