Nhạc sĩ Phong Nhã và tôi nhiều lần gặp nhau, lúc ở Đài Tiếng nói Việt nam (VOV), khi ở Hội Nhạc sĩ…nhưng chưa có dịp chụp chung với nhau một tấm ảnh kỷ niệm. Cách đây 11 năm, trong dịp kỷ niệm 40 năm “Gìn giữ thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969 – 2009) tôi mới thực hiện được mong muốn của mình.
Nhạc sĩ Dân Huyền (trái) và nhạc sĩ Phong Nhã (phải). |
Hai nhạc sĩ Phong Nhã, Chu Minh và tôi cùng có mặt trong chương trình ca nhạc “Cả một đời vì nước vì dân” do Bộ tư lệnh Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và Báo Công an Nhân dân tổ chức trước lăng Người. Chúng tôi cùng đông đảo bà con Thủ đô ngồi xem biểu diễn các ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phong Nhã), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh), “Bên lăng Bác Hồ” (Dân Huyền) và các tiết mục ca múa khác.
Năm 1974 Ban Văn nghệ Đài TNVN làm việc ở tầng ba số nhà 45 phố Bà Triệu, nhạc sĩ Phong Nhã đã đến thăm và kể chuyện sáng tác, trong đó có bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Ông kể: Tôi phụ trách đội thiếu nhi Trúc Bạch. Hôm 2/9/1945 cả đội hơn 50 em đều mặc đẹp đến dự. Khi Bác Hồ hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, người lớn thì trả lời rõ, còn các em thì trả lời có. Bài hát này tôi đã có ý tưởng từ năm 1944, một tuần sau ngày lễ Tuyên ngôn độc lập, tôi sửa lại và hoàn thành xong bài hát ấy. Lúc đầu tôi dùng chữ “Già Hồ”, tình cờ đọc báo thấy có lá thư của người Tây Nguyên viết “Kính gửi Book Hồ (Bác Hồ), nên tôi sửa lại là Bác Hồ. Ngay tên bài và câu hát đầu tiên lúc đầu tôi viết là “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng”, sau sửa lại là “thiếu niên nhi đồng”…
Nhạc sĩ Phong Nhã (Nguyễn Văn Tường), sinh năm 1924 tại thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam. Say mê âm nhạc từ nhỏ, thầy giáo của ông đã phát hiện và cho ông làm quản ca của lớp. Lớp ông nổi tiếng vì đội ca có đầy nhạc cụ, mặc dù chỉ là nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, nguyệt. Có những cây sáo do ông tự làm…
Nhạc sỹ Phong Nhã |
Năm 1944 phong trào cách mạng lên cao. Việt Minh đến tận thôn để vận động mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên tham gia. Bắt đầu bằng ca hát tập thể, chàng thanh niên Phong Nhã đã hòa trong phong trào ấy. Với vốn nhạc lý tự học, ông sáng tác bài đầu tiên: “Nhanh bước nhanh Nhi đồng”.
Bài hát ngắn gọn, dễ học, dễ thuộc và rất dễ hát. Rồi ông ra Hà Nội học trường Mạc Đĩnh Chi, Yên Phụ với cây sáo của mình tham gia đội nhạc của trường. Thời gian này, được nghe kể về gương Kim Đồng dũng cảm, ông hứng khởi, sáng tác ngay bài hát ca ngợi người đội viên thiếu niên dũng cảm này.
Đúng dịp 19/5/1946, nhân Ngày sinh của Bác, một số thiếu nhi đã đến hát chúc mừng Bác. Bài hát được nhiều người khen hay, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Từ đó, ông theo đuổi sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi. Năm 1954, theo gợi ý của Bác Hồ, cần có một tờ báo cho thiếu nhi, Trung ương Đoàn đề cử nhiều anh phụ trách trong đó có Phong Nhã, thành lập báo và chính ông là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Thiếu niên Tiền phong. Với cương vị Tổng biên tập (có bút danh viết báo là Anh Cả Tươi), Phong Nhã còn là người phụ trách Đội, luôn đi với các em thiếu nhi, nhảy múa, ca hát với các em.
Chính các em cũng là những người thể nghiệm bài hát của ông. Cùng với Đài TNVN, báo Thiếu niên Tiền Phong cũng là nơi chuyển tải bài hát của ông đến với công chúng nhỏ tuổi. Mỗi khi Trung ương Đoàn có phong trào gì, ông có ngay bài hát để khích lệ các em thiếu nhi tham gia: Nhặt giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ - “Em làm kế hoạch nhỏ”; Đội Thiếu niên Tiền phong được mang tên Bác - “Hành khúc thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”; Đội Nhi đồng được thành lập - “Em yêu Đội Nhi đồng”; Thiếu nhi toàn quốc làm nghìn việc tốt - “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh”...Cứ thế những bài hát nối tiếp nhau ra đời và đến với các em.
Trong các sáng tác của Phong Nha, trẻ thơ cũng thấy mình được vui chơi, ca hát, được yêu thương và làm được nhiều việc tốt. Hành trình tuổi thơ Việt Nam từ khi biết yêu thương ông bà, cha mẹ, quê hương, đất nước, yêu Bác Hồ kính yêu và biết làm những việc nhỏ có ích, cho đến biết chiến đấu, hy sinh cho đất nước như Kim Đồng, Lê Văn Tám...đều được nhạc sĩ ghi lại bằng những âm thanh, giai điệu làm xúc động lòng người.
24 năm, sau khi “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” ra đời, năm 1969 Bác Hồ đi xa để lại muôn vàn tình thân thương cho toàn dân toàn Đảng, nhạc sĩ Phong Nhã đã viết ca khúc “Bác sống đời đời”. Ông nói: Các bài khác tôi viết rất nhanh, bài này tôi mất hơn một tháng mới hoàn thành, vì ngồi vào viết nước mắt cứ trào ra, quá xúc động khi nghĩ về Bác, nghĩ về lứa tuổi nhỏ chưa một lần được gặp Bác và hát cho Bác nghe.
Có lẽ bằng tất cả những tình cảm chân thành mà theo như lời Phong Nhã thì đó là "sống với trẻ em, suy nghĩ với trẻ em, vui buồn với trẻ em, nhiều khi thật sự như trẻ em". Các bài hát của ông đã có một đời sống riêng, bền vững trong tâm hồn nhạy cảm và trong sáng của lứa tuổi măng non, truyền đến tâm hồn trẻ thơ những cảm xúc, tình cảm tươi tắn...
Đó là những tiêu chí và cũng là yếu tố tạo nên thành công của một bài hát dành cho thiếu nhi. Đây không phải là quan điểm riêng của nhạc sĩ Phong Nhã, mà là quan điểm chung trong sáng tác nghệ thuật đối với những người hướng đến trẻ em, lấy trẻ em tạo nguồn cảm hứng. Biết rằng, cho dù hôm nay, trình độ của các em, điều kiện cuộc sống của các em đã khác, có nhiều hình thức vui chơi giải trí phong phú, hấp dẫn hơn, cách giáo dục, nuôi dưỡng cũng khác xưa, nhưng ở thời nào thì tâm hồn trẻ thơ cũng muốn hát và cần được hát. Vì thế sáng tác bài hát dành cho thiếu nhi là một điều không thể coi nhẹ.
Nhìn tấm ảnh chụp với nhạc sĩ Phong Nhã, tôi càng nhớ ông - một nhạc sĩ hàng đầu dành trọn sự nghiệp sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhớ một ủy viên Trung ương Đoàn Thanh niên luôn vì đàn em thân yêu, nhớ một nhạc sĩ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhớ một người đảng viên hơn 70 năm tuổi Đảng. Đặc biệt là những bài hát của ông đã có 5 thế hệ thiếu nhi hát vang dưới bầu trời đất Việt mà dư âm mãi mãi rộn ràng./.