Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc, ông qua đời vào lúc 13h30 ngày 5/2/2020 (tức ngày 12/1 năm Canh Tý), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng hồi 11h đến 12h ngày 10/2/2020 (17/1 năm Canh Tý), tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng hồi 14h30 ngày 10/2 tại Nghĩa trang quê nhà xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

nhac_si_thanh_phuc_karn.jpg
Nhạc sĩ Thanh Phúc. (Ảnh: Báo Công Luận)

Nhạc sĩ Thanh Phúc (Nguyễn Thanh Phúc) sinh năm 1933, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Từ một đội viên Đội Văn nghệ Tuyên truyền kháng chiến thuộc Ty Thông tin Phú Thọ (khi đó đang ở tuổi 13), Thanh Phúc đã qua nhiều đơn vị công tác như Văn công Đại đoàn 312, Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị.

Sáng tác đầu tay của ông là bài hát "Người Mèo ơn Đảng", được Giải thưởng trong cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Tiếp theo là những bài hát "Tiếng hát bản mường", "Tiếng hát người chăn bò" (thơ Hoàng Hưng), "Khúc hát hành quân", "Nghe những lời Tổ quốc", lưu hành trên sóng phát thanh, được thu đĩa hát và ấn hành.

Sau đó ông được điều về Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ năm 1968, ông làm công tác biên tập buổi phát thanh Văn nghệ Quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời gian công tác ở đây, ông đã tiếp tục sáng tác, có một số bài được sử dụng rộng rãi như: "Hà Giang quê tôi", "Nhớ giọng hát Bác Hồ" (thơ Tạ Hữu Yên), "Bài ca xây dựng", "Đường dài rộng bước hành quân", "Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi" (lời Hải Hồ), "Bình minh anh quân bưu", "Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng"…

Một số tuyển tập tiêu biểu như: "Bài ca xây dựng" (24 bài hát), "Ca khúc tuyển chọn" (12 bài hát), album "Nếu đời còn kiếp sau". Ông cũng sáng tác văn, trong đó có những truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện cười đã được xuất bản. 

Ông đã được tặng GIải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, 2001./.